Nga lên tiếng sau lo ngại của phương Tây trước thông điệp mạnh mẽ của Tổng thống Putin

Chủ Nhật, 04/03/2018, 08:51
Ngày 2-3 (giờ địa phương), Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc dư luận của một số nước phương Tây cho rằng, Nga đang chạy đua vũ trang.

Moscow giải thích rằng, các loại vũ khí mới được trình bày trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1-3 là đảm bảo duy trì cân bằng chiến lược, cần thiết vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.

Nhấn mạnh Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không mang tính chất quân sự, ông Dmitry Peskov nêu rõ: “Đây không phải là bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang, vì đây không phải thứ gì khác, mà là phản ứng của Nga đối với việc bãi bỏ Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). Sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp ước này và việc Washington rất tích cực để tạo ra một hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu có thể phá vỡ tính cân bằng chiến lược, hạt nhân chiến lược và thực tế là nhằm vô hiệu hoá các lực lượng chiến lược của Liên bang Nga”. 

Ông Dmitry Peskov giải thích thêm rằng, Thông điệp của Tổng thống Nga là nhằm mục đích phát triển, chứ không phải đối đầu. Mục đích của nó là tăng cường sự thịnh vượng của người Nga và hợp tác trên trường quốc tế. Đó là thông điệp phát triển, nâng cao phúc lợi của người Nga và sự cởi mở cho hợp tác với tất cả các nước trên thế giới vì lợi ích của việc thực hiện đột phá về công nghệ của Nga. 

Về những lo ngại và cáo buộc của dư luận một số nước phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định đó là “một nhận thức không đúng và thổi phồng về quan điểm của Tổng thống, mà ông đã nêu ra trong thông điệp của mình”. 

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov.

Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không thể xem là sự khởi đầu của cuộc chạy đua vũ trang khi nó là lời đáp cho việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) cũng như tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. 

Người phát ngôn Dmitry Peskov nói: “Không có điều gì khác ngoài việc là câu trả lời của Nga đối với việc bãi bỏ Hiệp ước ABM, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM cũng như cho tiến trình cực kỳ tích cực trong việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, mà về lâu dài có thể phá vỡ sự bình đẳng chiến lược, cân bằng hạt nhân cũng như vô hiệu hóa các lực lượng chiến lược của Nga”.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã bác bỏ các cáo buộc ông đã tái khởi động cuộc “chạy đua vũ trang” sau khi hé lộ các vũ khí hạt nhân chiến thuật mới của Nga, cho rằng những bình luận đăng tải trên truyền thông phương Tây chỉ là một chiến dịch tuyên truyền khác nhắm vào nước Nga. 

Tổng thống Nga cũng đổ lỗi việc Washington rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2002 đã làm cho đối đầu hạt nhân chiến thuật leo thang những năm qua. 

“Nếu chúng ta đề cập đến một cuộc chạy đua vũ trang thì thật ra cuộc đua này đã bắt đầu từ chính thời khắc đó”, ông Vladimir Putin nhấn mạnh đồng thời cho rằng, hai cường quốc vẫn có thể hợp tác đối phó những thách thức an ninh chung, cụ thể là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố: “Thay vì tạo thêm mối đe dọa nhắm vào nhau, các cường quốc nên tập trung nguồn lực cùng phòng vệ trước các lực lượng khủng bố”. 

Trong khi đó, theo nhận định của một số chuyên gia Nga, mục đích chính của Thông điệp chi tiết về quốc phòng này là để làm dịu sự nhiệt tình thái quá của một số đối tác phương Tây, những người đã đặt cược vào việc giải quyết các vấn đề bằng vũ lực, tiến đến gần biên giới nước Nga, tăng cường binh lực của họ. 

Tổng thống Vladimir Putin đã chứng tỏ quan hệ với Nga theo cách này là hoàn toàn vô vọng. Thay vì đe dọa nước Nga, hãy ngồi xuống bàn đàm phán.

Một số nước phương Tây đã tỏ ra lo ngại đối với việc Nga “khoe” các loại vũ khí hạt nhân của mình. Trong cuộc điện đàm ngày 1-3 ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặc biệt lo ngại về phát biểu của người đứng đầu Điện Kremlin cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí. 

Mỹ cáo buộc Nga công khai vi phạm các hiệp ước ký từ thời Chiến tranh lạnh bằng cách phát triển vũ khí mới mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là “bất khả chiến bại”.

Washington cũng đã cáo buộc việc Moscow phát triển các loại vũ khí hạt nhân gây bất ổn là vi phạm các nghĩa vụ trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Nga ký năm 1987. 

Trong khi đó, Anh cũng coi việc Nga giới thiệu các loại vũ khí mới thông qua Thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin là hành động “khiêu khích”, cho rằng, Nga đã lựa chọn “đường lối khiêu khích và leo thang căng thẳng”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.