Thế giới "dậy sóng" trước quyết định của Tổng thống Mỹ về Jerusalem

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:15
An ninh đã được siết chặt tại tất cả các Đại sứ quán Mỹ ở Trung Đông chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Cùng với quyết định “đầy tranh cãi” này, ông Donald Trump cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ bắt tay vào việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.


Hãng tin ABCNews ngày 6-12 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Andrews cho hay, nhiều đội đặc nhiệm thủy quân lục chiến đã được triển khai tới các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ ở Trung Đông nhằm đảm bảo an ninh và phòng chống những tình huống xấu có thể xảy ra.

Việc này, theo ông Mike Andrews, là động thái bình thường mà Mỹ vẫn làm mỗi khi muốn đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân và lợi ích Mỹ trên toàn cầu. Đồng thời, Đại sứ quán Mỹ tại Israel cũng cảnh báo các nhà ngoại giao Mỹ, nhân viên Chính phủ Mỹ và thân nhân trong gia đình không được phép di chuyển với tư cách cá nhân tới thành cổ Jerusalem và khu Bờ Tây cho đến khi có thông báo tiếp theo; tránh chốn đông người hoặc các khu vực vui chơi giải trí ở nước ngoài.

Trong khi đó, chính phủ các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông cũng đã yêu cầu lực lượng an ninh nước mình đặt trong tình trạng báo động cao, thậm chí còn đưa ra cảnh báo nguy hiểm. Nguyên do là vì trước đó, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này.

Và để “trấn an tư tưởng” với cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Đông, hôm 5-12, ông Donald Trump đã có cuộc điện đàm quan trọng với một số nhà lãnh đạo Arab gồm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập Adbel Fattah al-Sisi, Quốc vương Arab Saudi Salman...

Jerusalem vẫn đang là tâm điểm trong cuộc chiến giữa Israel và Palestine. Ảnh: Jmberlin

Tất cả các nhà lãnh đạo này đều bày tỏ sự phản đối và lo ngại rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến trình hòa bình ở Trung Đông cũng như tác động xấu đến an ninh của khu vực này. Giới chức Palestine cảnh báo, động thái này sẽ chấm dứt mọi nỗ lực mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông của ông Donald Trump và triệt tiêu mọi cơ hội để đóng vai trò người hòa giải của nhà lãnh đạo này.

Cùng chung quan điểm trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, quy chế về Jerusalem là "giới hạn đỏ" đối với thế giới Hồi giáo, đồng thời tuyên bố sẽ kêu gọi hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phản đối, thậm chí có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel… Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit sau cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo AL thì kêu gọi Mỹ kiềm chế bất kỳ sáng kiến nào dẫn đến thay đổi tình trạng pháp lý và chính trị của Jerusalem.

Chưa hết, ông Ahmed Aboul Gheit còn cho rằng, với quyết định này, chính quyền Mỹ có thể đã tự loại bỏ bất kỳ cơ hội thực sự nào để thiết lập một quá trình chính trị có ý nghĩa với Palestine và Israel. Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng lên tiếng với tuyên bố của người phát ngôn Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), ông Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phản đối mọi hành động đơn phương liên quan đến thành phố Jerusalem có thể gây ảnh hưởng đến giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và khẳng định, vấn đề quy chế cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua việc đối thoại trực tiếp giữa Israel-Palestine dựa trên các Nghị quyết có liên quan đến Hội đồng Bảo an LHQ…

Nhưng bất chấp mọi lời khuyên can và cảnh báo của các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn khẳng định thực hiện kế hoạch của mình và chỉ thay đổi một chút là thực hiện thành 2 giai đoạn trong đó: giai đoạn 1 công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và giai đoạn 2 được thực hiện sau đó 6 tháng là di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hãng tin CNN đưa tin, trên thực tế, từ khi còn thực hiện chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem và gọi đây là mục tiêu dài hạn của các chính trị gia đảng Cộng hòa. Đáng lẽ việc di dời này đã được thực hiện từ tháng 6, nhưng “căn cứ vào tình hình thực tế và để tránh gây thêm căng thẳng”, Tổng thống Donald Trump đã tạm gác kế hoạch này thêm 6 tháng.

Còn với quyết định lần này, Mỹ là quốc gia đầu tiên chuyển Đại sứ quán của mình tại Israel tới Jerusalem – vùng đất đang còn tranh chấp giữa Israel và Palestine. Và kể cả khi chưa có những phản đối từ cộng đồng quốc tế thì chính quyền Washington cũng đã có đánh giá rằng, việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel sẽ tác động mạnh tới các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông cũng như ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình nơi đây.              

Jerusalem là thành phố với khoảng 1 triệu dân, trong đó 2/3 là người Do Thái và 1/3 là người Arab. Thành phố này nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết, ở phía Đông của Tel Aviv, phía Nam Ramallah, phía Tây Jericho và phía Bắc Bethlehem.

Được thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Jerusalem đã 2 lần bị hủy diệt, bị vây hãm 23 lần, bị tấn công 52 lần, bị chiếm và bị chiếm lại 44 lần. Hiện thành phố này vẫn nằm ở tâm điểm cuộc chiến giữa Israel và Palestine. Jerusalem còn là vùng đất thiêng với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1981.

Theo lịch sử, từ thời cổ đại, Jerusalem đã được bao bọc bằng những bức tường thành phòng thủ kiên cố. Vào thế kỷ XVI, dưới thời cai trị của Đế quốc Ottoman, toàn bộ tường thành được xây lại trên nền của tường cũ. Việc xây dựng kéo dài từ năm 1535 đến năm 1538 và những bức tường này vẫn còn tồn tại đến ngày nay… 

Phan Hiển
.
.
.