Những điều chưa biết về Jerusalem - "Vùng đất thiêng" ngàn năm xung đột

Thứ Tư, 06/12/2017, 15:49
Jerusalem là thành phố thiêng liêng, lâu đời bậc nhất thế giới với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên chúa và Do Thái. Đây cũng là nơi bắt nguồn của những xung đột dai dẳng tại "chảo lửa" Trung Đông.

Nhà Trắng ngày 5-12 bất ngờ ra thông báo cho biết Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với 5 nhà lãnh đạo các nước Trung Đông về "những quyết định liên quan đến vấn đề Jerusalem", trong đó công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến thánh địa này.

Reuters cho biết, Tổng thống Trump sẽ thông báo cụ thể về quyết định này ngay trong ngày 6-12 (giờ địa phương). 

Theo giới quan sát, hành động này của Mỹ không những có khả năng phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ tại Trung Đông mà còn có nguy cơ châm ngòi khủng hoảng và làn sóng bạo lực mới ở chảo lửa của thế giới.

Thành cổ Trung Đông này nằm trên đỉnh của một cao nguyên, bên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết trên độ cao 650-840m, và được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ màu xám.
Có ý nghĩa quan trọng với cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo nên từ thời Kinh thánh, thời của đế chế La Mã hay của các cuộc thập tự chinh, Jerusalem đã là đất thiêng của những tranh chấp.
Tính từ sau Thế chiến I, sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại, Pháp được ủy nhiệm quản lý Syria còn Anh được ủy nhiệm quản lý vùng Lưỡng Hà và Palestine, đường biên giới sau đó được các cường quốc tham gia đàm phán xác lập.
Cách đây 100 năm, vào tháng 12-1917, tướng Anh Edmund Allenby nắm quyền kiểm soát Jerusalem. Vài thập kỷ sau, vùng đất thiêng chứng kiến làn sóng người Do Thái định cư ở đây với tư tưởng Jerusalem là quê nhà , trong khi người Arab địa phương giảm xuống theo sự sụp đổ của đế chế Ottoman, vốn cai trị nơi này từ năm 1517.
Làn sóng di cư hiển nhiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine. Họ thậm chí gây ra một số cuộc bạo động nghiêm trọng. Trong khi đó, người Do Thái lại bất chấp nhà cầm quyền Anh và lệnh hạn chế nhập cư đã được ban hành vào năm 1939. Nhiều người cho rằng quyết định của người Anh khiến nhiều người Do Thái không kịp chạy trốn khỏi cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã.
Cho tới giai đoạn sau Thế chiến II, vào năm 1947, 2 năm sau khi Liên Hợp Quốc ra đời, tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đã thông qua kế hoạch phân chia cho 2 nhà nước - một Do Thái, một Arab - với Jerusalem được quản lý bởi "chế độ quốc tế đặc biệt" do tình trạng độc nhất của nó.
Vào ngày 14-5-1948, nhà lãnh đạo David Ben-Gurion đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của Israel vào tại Tel Aviv. Tuy nhiên, kế hoạch phân chia lại bị người Arab - Hồi giáo bác bỏ gay gắt. Một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập, khối các nước Arab tấn công Israel non trẻ nhưng đã thất bại thảm hại. Trong khi người Do Thái gọi là Chiến tranh giành độc lập và Chiến tranh giải phóng, thì người Palestine gọi cuộc chiến là cuộc "Thảm họa".
Đây là trận chiến mở màn cho xung đột hàng thập kỷ qua tại Trung Đông, sau sự kiện này, rất nhiều người Arab và Do Thái đã phải di dời chỗ ở. Jerusalem bị chia cắt: nửa phía Tây trở thành một phần của nhà nước Israel và tới năm 1950 trở thành thủ đô theo luật do Israel thông qua, trong khi nửa phía Đông, bao gồm cả thành cổ, do Jordan quản lý.
Cho tới năm 1967, quyền quản lý gần như toàn bộ "vùng đất thiêng" đã rơi về tay chính quyền Israel sau chiến tranh Trung Đông giữa Israel và thế giới Arab trong cuộc chiến 6 ngày. Kể từ đó, Israel xem cả thành phố này là thủ đô không thể chia tách của họ.
Người Palestine phải di chuyển xa hơn nữa về phía cực Đông của vùng đất này. Palestine sau đó tuyên bố Đông Jerusalem chính là thủ đô của nhà nước tương lai. Trong tháng 11 năm 1967, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 242, kêu gọi Israel rút "từ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xung đột gần đây". 
Bất chấp Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Năm 1980, Tel Aviv thông qua Luật Jerusalem, trong đó tuyên bố rằng "Jerusalem, đầy đủ và thống nhất, là thủ đô của Israel", do đó chính thức hóa thôn tính đơn phương của Israel.
Bức tường phân chia Đông và Tây Jerusalem nhìn từ phía Đông. Có thể thấy được sự khác biệt của khu phía Tây thịnh vượng và khu phía Đông nghèo đói: Từ năm 1967 đến năm 1991, đã có 40.000 nơi cư trú cho người Do Thái Israel được xây dựng trong khi chỉ có 555 nơi dành cho người Palestine.
Jerusalem sau đó chứng kiến hàng loạt cuộc đụng độ giữa người Palestine và người Israel ở nhiều quy mô khác nhau: từ ném đá, đấu súng, hay thậm chí là những vụ đánh bom liều chết. 
Cảnh tượng sau một vụ đánh bom tự sát ở Đông Jerusalem vào những năm 2000. Mặc dù chủ quyền của Israel với Jerusalem vẫn chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận, song với lực lượng quân đội mạnh hơn hẳn, Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát khu vực "thiêng liêng" này.
Đỉnh điểm, vào năm 2000, chuyến thăm nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở thành cổ Jerusalem của Thủ tướng Israel đương nhiệm đã làm phật lòng người Palestine và gây ra cuộc xung đột bạo lực kéo dài 5 năm, lấy đi mạng sống của khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, các nỗ lực kiến tạo hòa bình tại khu vực này được cộng đồng quốc tế rất chú trọng. Mặc dù vậy, bất chấp thực tế rằng tất cả các khu định cư ở Jerusalem là bất hợp pháp, người Israel vẫn xây dựng nhiều nhà ở trên vùng đất người Palestine coi như là nhà nước tương lai của họ. 
Có thể nói rằng, Jerusalem đã trở thành trung tâm của xung đột và hận thù giữa người Arab và người Do Thái. Bởi vậy, mọi động thái liên quan đến khu vực này luôn cần được cân nhắc vô cùng cẩn trọng.
Mặc dù vậy, trong một diễn biến vô cùng bất ngờ, Nhà Trắng ngày 5-12 bất ngờ ra thông báo cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ sớm công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến thánh địa này. 
Theo giới quan sát, hành động này của Mỹ không những có khả năng phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ tại Trung Đông mà còn có nguy cơ châm ngòi khủng hoảng và làn sóng bạo lực mới ở chảo lửa của thế giới.
Thiện Nhân (Ảnh: Tổng hợp)
.
.
.