Trung Đông đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:11
Gia tăng căng thẳng liên tục leo thang trong những tháng gần đây giữa Saudi Arabia và Iran được đánh giá là gây ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực giải quyết các vấn đề khác tại Trung Đông. Từ đó đẩy khu vực này vào cuộc khủng hoảng mới hết sức phức tạp.

Tính từ sự kiện Iran và Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi tháng 1-2016, tới việc Saudi Arabia và một số đồng minh dòng Sunni tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6-2017 với cáo buộc Doha tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và có những mối liên hệ với Iran, điều mà Qatar bác bỏ, thì hồi đầu tháng 11 này, tình trạng thù địch giữa Tehran và Riyadh lại nhích lên một nấc thang mới.

Đầu tiên là việc Thủ tướng Lebanon ủng hộ Saudi Arabia, ông Saad Hariri, hôm 4-11 tuyên bố từ chức, chỉ trích “sự kìm kẹp” của Iran đối với Beirut thông qua phong trào Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shiite.

Vài giờ sau đó, Saudi Arabia thông báo lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn và phá hủy một tên lửa bắn từ Yemen, nơi liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đang chiến đấu chống lại lực lượng phiến quân theo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn.

Trung Đông giữa vòng xoáy đối đầu Iran – Saudi Arabia.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khi đó tuyên bố Tehran có “hành động gây hấn quân sự trực tiếp” đối với Riyadh thông qua việc cung cấp tên lửa cho phiến quân Houthi ở Yemen. Iran bác bỏ sự dính líu đến vụ tấn công tên lửa trên với việc Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo rằng “sức mạnh” của nước này sẽ đánh bại bất kỳ thách thức nào.

Tiếp đó, ngày 19-11, Saudi Arabia đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp cấp ngoại trưởng của Liên đoàn Arab (AL) để thảo luận về “các biện pháp đối phó với sự can thiệp của Iran vào các công việc nội bộ của các nước Arab” liên quan tới sự kiện phóng tên lửa hôm 4-11.

Bên cạnh đó là việc thành lập Hội đồng hợp tác chiến lược Saudi Arabia – Iraq. Đây được đánh giá là những động thái hình thành các liên minh để chống lại Iran của Saudi Arabia.

Lý do giải thích cho những động thái của Saudi Arabia có lẽ là do trong cuộc đối đầu giữa nước này và Iran, vốn đang xảy ra trên hầu khắp Trung Đông, Tehran đang giữ thế thượng phong. Ví như, tại Lebanon, phong trào Hồi giáo Hezbollah đã đè bẹp liên minh các nhóm chính trị “14/3” do Saudi Arabia bảo trợ nhằm kiềm chế phong trào này.

Tại Syria, các khoản hỗ trợ tài chính, nhân lực và kinh nghiệm mà Iran tài trợ cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Damascus.

Tại Iraq, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phát triển thành một lực lượng quân sự độc lập chính thức, hoạt động dưới dạng Các đơn vị thuộc lực lượng Động viên Rộng rãi (PMU) với 120.000 quân.

Tất nhiên, không phải tất cả các nhóm phiến quân đại diện trong các đơn vị PMU đều thân Iran. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao căng thẳng giữa hai nước lại leo thang vào thời điểm này? Theo nhận định của một số chuyên gia, sự đối địch giữa Saudi Arabia và Iran đã trở thành nguyên tắc hoạt động đối với các đồng minh ở Trung Đông.

Một khi các nước Arab gia tăng chính sách thù địch chống Iran, mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên sẽ trở nên khó giải quyết, ảnh hưởng đến các nỗ lực giải quyết các vấn đề khác trong khu vực. Những diễn biến này có thể đẩy Trung Đông vào cuộc khủng hoảng mới hết sức phức tạp.

Vì, chừng nào Iran và Saudi Arabia còn coi cuộc tranh giành này là một trò chơi bên được bên mất - nơi mà một bên chỉ có thể giành được những gì bên kia bị mất đi - thì có một nguy cơ là những sai lầm trong các tính toán đang dần trượt khỏi tầm kiểm soát.

Khổng Hà
.
.
.