Văn học nghệ thuật phải vì xã hội, vì con người

Thứ Ba, 04/04/2017, 17:30

Ngày 4-4, lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội. 

Đến chúc mừng Hội Nhà văn Việt Nam và tham dự buổi lễ có các đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam. 

Các đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Bí Thư trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Đến tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ lão thành, hơn 500 hội viên nhà văn Việt Nam tại Hà Nội và đại diện Hội nhà văn các địa phương trên cả nước.

Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam ngày 4-4 tại Hà Nội

Đúng những ngày đầu tháng 4 của 60 năm trước, tại Câu lạc bộ Đoàn Kết Hà Nội đã diễn ra sự kiện văn hóa quan trọng: Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Với sự có mặt của 278 nhà văn, Đại hội họp từ ngày1-4-1957 đến 4-4-1957, thảo luận phương hướng hoạt động, bầu Ban chấp hành đầu tiên gồm 25 thành viên. Ngày 11-4-1957, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu đã tiến hành kỳ họp thứ nhất bầu Ban thường vụ gồm 7 thành viên: Nhà văn Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch Hội; nhà thơ Tú Mỡ, Phó Chủ tịch Hội; nhà văn Tô Hoài, Tổng thư ký Hội; nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Phó Tổng thư ký; các ủy viên thường vụ gồm nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Đoàn Giỏi. 

Sự ra đời của một hội chuyên ngành văn học đánh dấu bước phát triển mới của nền văn nghệ nước nhà, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của các nhà văn trong việc đưa hoạt động sáng tạo lên trình độ chuyên nghiệp.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Thay mặt Đảng Đoàn, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tổng kết, Nhà văn Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: 60 năm qua, kế thừa truyền thống vẻ vang của Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn nghệ Việt Nam, trung thành với lý tưởng, vì tổ quốc, vì xã hội, các nhà văn đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân, tình nguyện đắm mình trong cuộc sống chiến đấu, xây dựng, bảo vệ tổ quốc vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng cũng vô cùng hào hùng của nhân dân. 

Bước vào hòa bình, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới, văn học Việt Nam đã có bước phát triển đột phá về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác. Một không gian sáng tạo rộng thoáng chưa từng có mở ra cho các nhà văn. Nhà văn nắm bắt sự vận động toàn vẹn của cuộc sống, thích ứng với vai trò phê phán, cảnh tỉnh, dự báo, luôn luôn sáng tạo trong quỹ đạo của sự thật, của điều thiện và cái đẹp…

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Hội Nhà văn Việt Nam tròn 60 tuổi

Bên cạnh sáng tác, các hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình đã có những chuyển động mạnh mẽ nhằm đổi mới tư duy văn học, thiết lập những chuẩn mực mới, mở rộng kênh thông tin, đánh giá lại những giá trị trong quá khứ. Việc phát hiện, bồi dưỡng, thu hút các tài năng trẻ được Hội xem là một việc làm có tính chiến lược để phát triển văn học. Từ 278 nhà văn lúc thành lập, đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có hơn 1000 nhà văn.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận định: “Trong suốt 60 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 

Hội và các hội viên ưu tú, như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu là đã “cùng xương thịt với nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với Tổ quốc, với đồng bào; bồi dưỡng, cổ vũ các tài năng văn chương, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân nhiều tác phẩm có giá trị; phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước , dân chủ, khoa học, nhân văn, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...”.

Đại biểu dự lễ kỷ niệm

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng lưu ý: Trong chặng đường mới của đất nước, Hội nhà văn Việt Nam sẽ phải đương đầu và vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Hiện thực đời sống mà các văn nghệ sĩ hàng ngày tiếp xúc, tìm tòi, khám phá chứa đựng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua mang lại với rất nhiều ý nghĩa hay, mặt tốt, nhưng cùng với đó cũng xuất hiện không ít những yếu kém, tiêu cực, cái xấu cái ác do mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đưa đến, sự thiếu tu dưỡng đã dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. 

Ngay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, bên cạnh những ưu điểm, kết quả to lớn cũng đã xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại trong xây dựng, tập hợp đội ngũ và sáng tạo tác phẩm…

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ

Văn học nghệ thuật tuy có những đặc trưng, đặc thù nhưng sự tiếp cận, nhận thức, phản ánh hiện thực của nhà văn phải góp phần cải biến xã hội theo hướng nhân văn, khoa học, phát triển. Văn nghệ phải hướng tới cái chân, thiện, mỹ nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó hoàn thành được sứ mệnh của mình. Sản phẩm văn học nghệ thuật chân chính phải phản ánh hiện thực chân thật, sinh động và sâu sắc sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc say mê. Văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng phải mang trách nhiệm xã hội, phải vì xã hội, vì con người.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Hội Nhà văn Việt Nam, các hội viên của Hội, đông đảo những người cầm bút trong cả nước phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội từ trung ương đến địa phương vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, gắn bó máu thịt với các hội viên, với sự nghiệp văn học nước nhà, với đất nước, với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Cống hiến đợt 1 cho 22 cố tác giả

Được biết, với những thành tựu đã đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng nhất. 52 nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 150 nhà văn được trao Giải thưởng Nhà nước. Nhiều nhà văn được giải thưởng quốc tế và khu vực. 4 nhà văn được trao tặng anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng thời kỳ đổi mới. Ngay tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã truy tặng giải Cống hiến cho 22 cố tác giả có tác phẩm có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật Việt Nam nhưng vì điều kiện chiến tranh, trước đây, Hội chưa kịp xem xét để trao tặng giải thưởng.


Ngọc Nguyễn
.
.
.