“Bội thu” Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015

Thứ Ba, 02/02/2016, 08:44
Sáng 2-2, tại Hà Nội, lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 được tổ chức.

Từ hàng ngàn tác phẩm văn học được xuất bản trong năm 2015, Hội đồng xét giải thưởng đã chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc của 7 tác giả ở các thể loại: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và dịch thuật. Đây được coi là năm “bội thu” của văn chương khi giải thưởng đã có được đa dạng ở các thể loại, đặc biệt là ở thể loại Thơ sau nhiều năm vắng bóng.

Ở hạng mục văn xuôi, giải được trao cho tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” của tác giả Trần Thanh Cảnh và tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” của tác giả Nguyễn Thế Quang. “Kỳ nhân làng Ngọc” ra mắt tháng 3-2015 gồm 14 truyện ngắn viết về người dân ở làng quê vùng Kinh Bắc, quê hương của tác giả. Chân dung đa diện của những con người làng Ngọc - ngôi làng tưởng tượng - tạo nên bức tranh thời cuộc sau đổi mới. Tác phẩm “Thông reo Ngàn Hống” kể về nhân vật lịch sử Nguyễn Công Trứ. Trong tác phẩm này, tác giả đã xoáy sâu vào tâm trạng, nỗi đau giằng xé của một kẻ sỹ trước thời cuộc.

Nhà thơ Trần Hùng - tác giả tập thơ “Vườn khuya” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015.

Bên cạnh văn xuôi, có 2 tác phẩm thơ được vinh danh lần này là trường ca “Long Mạch” của nhà thơ Hoàng Trần Cương (người đã được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 với Trường ca “Trầm tích”) và tập thơ “Vườn khuya” của nhà thơ Trần Hùng. Ở thể loại Lý luận phê bình, giải thưởng được trao cho tác phẩm “Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay” - Nghiên cứu của Nguyễn Văn Dân; và tác phẩm “Âm thanh của tưởng tượng” - Lý luận phê bình của Lê Hồ Quang.

Ở hạng mục dịch thuật là cuốn tiểu thuyết trinh thám “Người đàn ông đến từ Bắc Kinh” của nhà văn Henning Mankell, người được mệnh danh là “ông hoàng truyện trinh thám Thụy Điển”, do Nguyễn Minh Châu dịch. Tác phẩm kể 2 tuyến truyện song song ở Thụy Điển năm 2006 và Trung Quốc năm 1863. Tác giả đã kết nối 2 tuyến truyện với nhau theo cách đầy bất ngờ, qua đó thể hiện nhiều vấn đề xã hội.

Cảnh Vũ
.
.
.