Trường hợp ông Vũ Huy Hoàng được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội

Thứ Tư, 23/11/2016, 09:42
Với tỷ lệ 471/474 đại biểu tán thành, sáng 23-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý, trường hợp ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết. Quốc hội “phê phán nghiêm khắc” ông Hoàng và “giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.


Cụ thể, tại Nghị quyết này, “Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn”.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sáng 23-11

Thảo luận về Nghị quyết này, cũng ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc đưa trường hợp ông Vũ Huy Hoàng vào Nghị quyết này để dùng từ cho phù hợp; bên cạnh đó, việc “gây hậu quả nghiêm trọng” thường gắn với vi phạm pháp luật về hình sự. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, “sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, nên cần được quy định tại Nghị quyết để thể hiện chính kiến của Quốc hội; việc vi phạm về pháp luật hình sự (nếu có) sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, ở lĩnh vực nội vụ, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu: Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy; Tiếp tục triển khai Đề án vị trí việc làm; hoàn thành Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sớm hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác khen thưởng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; có giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức; chú trọng đẩy mạnh đổi mới chế độ công vụ, xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả.

Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ không đúng quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Đối với lĩnh vực công thương:

Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thị trường trong nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về bán hàng đa cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tỷ lệ thông qua Nghị quyết

Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017, cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.

Tiếp tục tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường...

Hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước...

Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.

Rà soát, bảo đảm thực hiện yêu cầu về điều kiện môi trường khi công nhận làng nghề, xây dựng nông thôn mới; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; huy động nguồn lực, tập trung giải quyết dứt điểm tối đa số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Rà soát hoạt động đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã đầu tư, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, các dự án sản xuất thép, các dự án ven sông, ven biển...

Hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến khí tượng thủy văn và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu...

Chỉ đạo kiểm tra việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản...

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh theo lộ trình, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông phù hợp với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, điều kiện kinh tế-xã hội, nhu cầu nhân lực của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học; thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số...

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp  khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. 


Vũ Hân
.
.
.