Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ xuất ngược ô tô sang ASEAN
- Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ôtô sẽ được thực hiện tối thiểu trong 10 năm
- Khẩn trương hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp ôtô
- Nội địa hóa công nghiệp ôtô vì sao mãi ì ạch?
- Bán toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam
Nhà máy sản xuất lắp ráp xe Thaco - Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng (520 triệu USD) dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.
Định vị là nhà máy hiện đại nhất của Mazda nói riêng và của ngành sản xuất lắp ráp ô tô ở khu vực Asean, nhà máy ô tô Thaco - Mazda được đầu tư với hầu hết các dây chuyền tự động, ứng dụng công nghệ mới. Việc Thaco chọn Mazda làm đối tác được cho biết do thương hiệu này hiện chưa có nhà máy lắp ráp tại Asean, nên vẫn có cơ hội để tận dụng nhưng ưu đãi trong cam kết khu vực để cạnh tranh.
Lý giải nguyên nhân của động thái lạ này (mở rộng sản xuất trong bối cảnh nhiều DN lắp ráp đang thu hẹp và có thể tiến đến ngưng lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco cho biết:
“Chúng tôi không thể chọn lựa cách nhập khẩu nguyên chiếc mà không tiếp tục theo đuổi sản xuất, vì như vậy sẽ đánh mất 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề đang làm việc ở Chu Lai và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển; và đặc biệt là công nghệ cùng với nhà xưởng, máy móc, thiết bị... là những nền tảng cơ bản mà chúng tôi đã gầy dựng trong thời gian qua”.
Thủ tướng cùng các đại biểu nhấn nút động thổ nhà máy Thaco - Mazda |
Ngoài lý do này, ông Trần Bá Dương cũng đưa ra 3 phân tích thị trường cho thấy sản xuất trong nước còn cơ hội. Đó là, với năng lực hiện có (đứng đầu thị phần xe sản xuất trong nước) cùng với chính sách đúng đắn, hợp lý của Nhà nước, thì Thaco cùng với nhiều doanh nghiệp vẫn có thể duy trì và phát triển sản xuất. Thaco đặt cược vào việc “chắc chắn Chính phủ cũng sẽ có điều chỉnh thuế nhập khẩu của linh kiện” để giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Cùng với đó, ông Trần Bá Dương cho biết Thaco xác định chính sự phát triển công nghiệp phụ trợ với tỷ lệ nội địa hoá cao mới mang lại giá trị cho nền kinh tế; nên dù mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 18% đối với xe con, nhưng với nền tảng sẵn có, cùng kỳ vọng sự gia tăng của thị trường ô tô trong những năm tới, Thaco sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho dòng xe con với mức phấn đấu 40% “để có thể tiến đến xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực Asean”.
Đánh giá cao việc Thaco đã có 1 bước tiến ngoạn mục trên tất cả các phương diện chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư, chiếm lĩnh được thị trường với thị phần xe lớn nhất Việt Nam ở tất cả các dòng xe, doanh số đạt kỷ lục trên 3 tỷ USD, Thủ tướng cũng ghi nhận việc Thaco đã tăng tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam và những đóng góp của DN này cho ngân sách Quảng Nam (2/3 ngân sách tỉnh), chưa kể thuế nhập khẩu nộp về trung ương.
“Chúng ta không thể làm hết được các chi tiết của ô tô, nhưng đã nỗ lực làm những bộ phận quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Trước việc các dòng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm theo lộ trình, Thaco quyết định sản xuất với công nghệ mới, hiện đại, được Mazda chuyển giao là 1 cố gắng nữa để có công nghệ mới ở Việt Nam. Hồi tôi ở Quảng Nam tôi cũng đi Mazda, và các đồng chí cũng nên đi Mazda, vừa rẻ vừa tốt” – Thủ tướng khuyến nghị.
“Ô tô không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp. Ô tô là thương hiệu quốc gia. Chính phủ đã nỗ lực đề nghị Quốc hội đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có được một nền công nghiệp ô tô. Một đất nước với thị trường 100 triệu dân thế này mà nhập khẩu ô tô toàn bộ là sai lầm về chính trị và kinh tế” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các bên nỗ lực để dự án nhanh chóng hoàn thành, đạt công suất 100.000 xe/năm; đề nghị Mazda chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thêm nhiều sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
“Công nghiệp hỗ trợ của chúng ta còn nhiều bất cập. Chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp ô tô. Hi vọng Thaco tận dụng được cơ hội chính sách mới để phát triển”.
Khẳng định Chính phủ lắng nghe kiến nghị của các DN về thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách tổng thể phù hợp với thôg lệ quốc tế với “tinh thần là phải có những hành động cần thiết bảo vệ sản xuất trong nước một cách đúng pháp luật”. “Hãy đặt vấn đề xuất khẩu xe Mazda sản xuất tại Quảng Nam. Tại sao không? Tôi tin chúng ta sẽ làm được” – Thủ tướng khẳng định.