Tạo điều kiện tốt nhất để các già làng phát huy vai trò nòng cốt

Thứ Ba, 19/03/2019, 13:27

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, khối đại đoàn kết cả dân tộc Tây nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh…


Sáng 19-3, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị; bà Phạm Thị Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ Trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam... và 224 già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và biểu dương già làng tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư để nhân rộng những bài học kinh nghiệm tốt, cách làm hay; khẳng định ý nghĩa của việc già làng ký Quyết tâm thư rất quan trọng trong đóng góp xây dựng, phát triển Tây Nguyên; từ đó khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của già làng trong thực hiện các chủ trương của Đảng giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phạm Thị Hải, Chủ tich Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, trước năm 2009, tình hình an ninh - trật tự xã hội ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Ở những buôn, làng đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, đói nghèo, một bộ phận đồng bào luôn bị chúng kích động, lôi kéo để gây rối, gây bạo loạn, chống phá chính quyền, vượt biên trái phép. Một số nơi đồng bào nghe theo kẻ xấu xúi giục đã bỏ ruộng nương, bỏ buôn làng, bỏ sản xuất làm cho đời sống càng khó khăn hơn.

Nhận thức rõ vị trí vai trò quan trọng của già làng các dân tộc ở Tây Nguyên, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên. Hội nghị diễn ra từ tháng 3-2009 tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai với 241 già làng tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh phụ cận. Tại Hội nghị, già làng tiêu biểu đã thay mặt già làng các dân tộc Tây Nguyên nhất trí thông qua Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, với Tổ quốc. Đồng thời các già làng cũng bày tỏ lòng quyết tâm đồng sức đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trao đổi với một số đại biểu...

Sau 10 năm  thực hiện Quyết tâm thư, nhiều nội dung của quyết tâm thư được già làng các dân tộc Tây Nguyên triển khai tích cực, hiệu quả với cách làm hay đã góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững; kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây nguyên được nâng cao.

“Hiện các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng, là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng, là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. Hưởng ứng phong trào “tuổi cao, gương sáng” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động, già làng và người cao tuổi Tây Nguyên đã trở thành hạt nhân gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương; vận động nhân dân đoàn kết giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể”, bà hải khẳng định.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, khối đại đoàn kết cả Dân tộc Tây nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Già làng và Người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đề nghị các già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...

Và trò chuyện cùng các già làng, trưởng bản bên lề hội nghị.

Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không: “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện ý chí làm chủ của nhân dân, và là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Với tinh thần trên, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện…


V.Thành-Đ.Nhật
.
.
.