Già làng Lâm Hớ với quyết tâm đẩy lùi hủ tục lạc hậu

Thứ Ba, 10/01/2017, 08:33
Già làng Lâm Hớ, 68 tuổi, dân tộc Khmer - Bí thư Chi bộ ấp 4, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được nhiều người biết đến và quý trọng bởi ông luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên tuyền đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không nghe theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép, gây mất ANTT ở địa phương.

Với những đóng góp ý nghĩa cho quê hương, ngày 2-1 vừa qua, già làng Lâm Hớ đã được vinh danh là một trong 20 công dân Bình Phước ưu tú nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1-1-1997 – 1-1-2017).

Trò chuyện cùng chúng tôi, già Lâm Hớ cho biết mình chẳng nhớ nổi đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh. Chỉ biết rằng, những nơi ông đến, hủ tục lạc hậu, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc.

Ấp 4, xã Lộc Hưng có 3 dân tộc gồm Khmer, Stiêng và Kinh cùng sinh sống, với 192 hộ, 850 khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm 92%. Từ nhỏ, già làng Lâm Hớ đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi.

Già làng Lâm Hớ tại lễ vinh danh 20 công dân Bình Phước ưu tú ngày 2-1 nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước (1-1-1997 – 1-1-2017).

Nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là nhiều gia đình phải bán ruộng, nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Quyết tâm thay đổi hủ tục lạc hậu, già làng Lâm Hớ đã đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con về việc thực hiện nếp sống mới… Cứ như vậy, ông kiên trì với cách làm của mình, lần đầu không nghe, ông đến tiếp lần hai, lần ba. Trong các buổi họp thôn, dịp lễ, Tết gặp mặt đông đủ bà con, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu.

Năm này qua năm khác, nhận thức của người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới xin được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây.

Khi toàn dân trong tỉnh Bình Phước sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì già làng Lâm Hớ cũng học tập tấm gương của Bác theo cách của riêng mình.

Với triết lý “Lấy sức dân làm lợi cho dân”, ông vận động bà con thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng. Ông tự mình tìm các chuyên gia để học tập cách thâm canh lúa nước rồi hướng dẫn cho bà con trong vùng.

Nhờ đó, giờ đây đồng bào Khmer trong xã đã biết trồng lúa nước 2-3 vụ/năm, thâm canh tăng vụ trong vườn điều, tiêu và trồng xen các loại cây ngắn ngày; biết áp dụng những kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như sử dụng máy cày, trồng tỉa, bón phân...

Không chỉ được biết đến là người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế, già làng Lâm Hớ còn được nhắc nhiều đến việc tích cực làm công tác từ thiện, xã hội.

Hằng năm, ông giúp đỡ các gia đình khó khăn từ 20 - 30 triệu đồng, giúp đồng bào nghèo trong xã gần 2 tấn lúa giống để sản xuất, mở lớp xoá mù chữ cho 26 người đến nay đã biết đọc, biết viết. Gia đình già làng Lâm Hớ là thành viên của bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, mỗi tuần góp 400 ngàn đồng.

 Hiện nay, với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp 4, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng, già làng Lâm Hớ luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền đồng bào không nghe theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Với những đóng góp kể trên, già làng Lâm Hớ đã được các cấp, các ngành tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác dân tộc; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và 7 lượt Bằng khen cấp tỉnh, bộ, ngành, Trung ương.

Đức Trí – Thanh Khoa
.
.
.