Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói về phản ứng của một số đơn vị liên quan đến kết quả kiểm toán

Thứ Năm, 01/06/2017, 14:30
Trả lời câu hỏi của PV báo CAND về phản ứng của một số đơn vị như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lãnh đạo một số bệnh viện... không đồng tình với kết quả kiểm toán, bên lề Quốc hội sáng 1-6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Họ nói như vậy là không trung thực hoặc thiếu trách nhiệm...


PV: Thưa ông, vừa rồi sau khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán thì khá nhiều đơn vị phản ứng, nói là họ khắc phục rồi, hoặc họ không được trao đổi về kết quả kiểm toán ấy, có giải trình nhưng KTNN không tiếp thu. Vậy quan điểm của KTNN về vấn đề này như thế nào?

Ông Hồ Đức Phớc: Trong quá trình làm việc, KTNN thực hiện đúng chuẩn mực và quy trình của kiểm toán. Họ nói như thế chứng tỏ: thứ nhất là họ không trung thực, hoặc họ thiếu trách nhiệm. Trong quá trình làm, KTNN đã có sự trao đổi với đơn vị được kiểm toán, có văn bản yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình các vấn đề mà KTNN đưa ra. 

Thứ 2, sau khi làm xong, để lập tổ kiểm toán làm biên bản kiểm toán thì phải có sự chứng kiến của đơn vị được kiểm toán. Sau đấy, KTNN mới tiến hành lên dự thảo báo cáo. Dự thảo phải qua tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, rồi thông qua đoàn kiểm toán, sau đấy qua Hội đồng cấp vụ duyệt, rồi đại diện của KTNN - có thể là Tổng Kiểm toán hoặc là Phó Tổng Kiểm toán mới duyệt lại lần cuối cùng, mới xem xét bằng chứng, tức là những kết luận này có bằng chứng không?

Bằng chứng được thể hiện bằng văn bản, biên bản làm việc, biên bản của tổ, chứng từ, hồ sơ... Nên những người nói như thế, có thể một là họ không trực tiếp (theo dõi quá trình kiểm toán) hoặc họ thiếu trách nhiệm, sai rồi lại không chịu sửa.

PV: Như vậy, theo ông nói, các kết quả đã được thể hiện trên báo cáo kiểm toán là trung thực?

Ông Hồ Đức Phớc: Và có bằng chứng kèm theo. Trong Luật Kiểm toán quy định, các đơn vị được kiểm toán nếu không đồng tình có thể kiện ra tòa. 

PV: Vừa rồi có ý kiến cho rằng: Nếu là kết quả kiểm toán chính thức thì phải thể hiện trong báo cáo chứ không phải trong footnote (chú thích chân trang) như báo cáo kiểm toán gửi Quốc hội. Ý kiến này có chính xác không?

Ông Hồ Đức Phớc: Bởi vì mỗi một đơn vị đều có một báo cáo kiểm toán riêng, còn báo cáo họ xem là báo cáo tổng hợp, nên không thể đưa hết các nội dung vào. Một năm, KTNN làm 300 cuộc kiểm toán, mà một cuộc như vậy cũng có báo cáo khoảng 50 trang, thì không thể đưa vào hết được. Đây là những cái trọng tâm nhất, footnote là để chúng tôi dẫn chứng minh họa, cụ thể là đơn vị nào vi phạm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

PV: Trong quá trình làm việc, không phải cái gì 2 bên thống nhất được với nhau mới đưa vào báo cáo kiểm toán đúng không ạ?

Ông Hồ Đức Phớc: Đương nhiên. Nhưng về phía KTNN bao giờ cũng đề nghị đơn vị được kiểm toán giải trình, hết sức dân chủ. Mình đi đến tận cùng, gốc rễ của sự việc, xem thử anh giải trình việc này thế nào, có đúng luật không. Sau giải trình của anh thì tôi đưa ra bằng chứng, thậm chí là có tranh luận với nhau. Còn khi đã có kết luận là KTNN chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu sai, đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại...

PV: Vừa rồi, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có phản hồi, nói họ đã trao đổi rất nhiều lần với KTNN và không đồng ý với kết quả kiểm toán, nhưng KTNN vẫn ra kết luận. Ý kiến này có chính xác không, thưa ông?

Ông Hồ Đức Phớc: Phản ứng của Bộ KH&ĐT tôi cho là cũng không đúng. Ở đây, chúng tôi mới nói chuyện thủ tục sai, thẩm quyền trong quá trình tiến hành không đúng, chưa nói đến trách nhiệm về thất thoát, lãng phí. Anh không đúng thế nào? Ví dụ họ phản ứng về phân bổ vốn của 18 dự án, khi phân bổ họ ghi là “theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. KTNN hỏi rõ: Nếu làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì ở văn bản nào, công văn nào, hay thông báo làm việc nào, hoặc chẳng hạn bút phê nào, thì không có. Vậy là họ làm không đúng rồi chứ còn gì nữa.

Hai nữa họ nói phân bổ 11 vốn lần là do Luật Đầu tư công. Họ là người chủ trì soạn thảo Luật này, theo chỉ đạo của Chính phủ, theo Luật Ngân sách 2012 và theo Luật Đầu tư công thì phải phân bổ vốn trước 31-12 hàng năm, nhưng họ phân bổ tới 11 lần mà chỉ có 1 lần trước ngày 31-12 thì rõ ràng 10 lần sau là sai. Vân vân.

PV: Mấy năm vừa rồi đã có phản ứng nào của các bộ mà KTNN phải nhận sai và sửa chưa?

Ông Hồ Đức Phớc: Ít lắm. Từ khi tôi về làm Tổng Kiểm toán đến giờ thì chưa xảy ra việc này.

PV: Sau khi công bố kết quả kiểm toán thì ngoài Bộ KH&ĐT có cơ quan nào chính thức gửi văn bản kiến nghị đến KTNN không?

Ông Hồ Đức Phớc: Kể cả bộ KH&ĐT cũng không gửi công văn chính thức, mà chẳng qua dưới sức ép của dư luận thì mời báo chí đến nói, ở đây là họ giải trình, chứ cũng không gửi văn bản đến KTNN để phản ứng rằng kết luận của KTNN là sai. (Tất cả các đối tượng được kiểm toán) Không hề có (văn bản chính thức phản đối), vì trước đó chúng tôi đã làm rất chặt rồi, có vấn đề gì đã trao đổi với nhau hết rồi.

PV: Khi sửa Hiến pháp, nhiều người rất kỳ vọng vào sự độc lập của một chế định độc lập là KTNN. Mấy năm gần đây rõ ràng yêu cầu của Quốc hội đối với kiểm toán cũng cao hơn. KTNN có chịu sức ép nào để khó đảm bảo tính độc lập của mình không?

Ông Hồ Đức Phớc: Không! KTNN thực hiện đảm bảo tính độc lập và tuân theo pháp luật, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, đúng Luật Kiểm toán năm 2015 đã ban hành.

Tháng 10 năm nay sẽ có thêm kết luận kiểm toán 24 dự án BOT

CAND: Thưa ông, KTNN đã có một chuyên đề về các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông và có chỉ ra rất nhiều vấn đề còn tồn tại về cơ chế. Tuy nhiên, dường như trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chưa nói đến các kiến nghị này?

Ông Hồ Đức Phớc: Chúng tôi có kiến nghị, chẳng hạn về khoảng cách giữa các trạm BOT, quyết toán, đàm phán, việc lựa chọn chủ đầu tư, lựa chọn phương thức với các dự án này... vì đây là một chuyên đề. Từng dự án BOT chúng tôi đều có từng báo cáo kiểm toán một. Vừa rồi, trong năm 2016 chúng tôi làm được 27 dự án, kiến nghị giảm trừ thời gian thu phí 107,4 năm và năm nay chúng tôi sẽ làm tiếp 24 dự án.

CAND: Đến bao giờ thì có kết quả 24 dự án này?

Ông Hồ Đức Phớc: Dự kiến khoảng tháng 10 năm nay.

CAND: KTNN có đề cập đến việc trước nay mình quy định vốn của chủ đầu tư là quá thấp, hầu như là tiền đi vay, nên gánh nặng nợ vay là rất lớn và bị tính vào phí, tức là tính vào đầu người sử dụng đường; phải nâng tỷ lệ này lên. Cụ thể KTNN kiến nghị nâng lên bao nhiêu %?

Ông Hồ Đức Phớc: Chúng tôi có kiến nghị nhiều cơ chế, nhưng việc hoàn thiện cơ chế thì Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ trình với Chính phủ để có sự hoàn thiện một cách khoa học, thích hợp nhất và cũng là tạo điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất.

CAND: Trong 27 dự án mà KTNN đã làm thì đã có dự án nào Bộ GTVT đã quyết toán chưa? Một trong những lý do Bộ GTVT chưa nhận trách nhiệm của mình một cách đến nơi là họ nói họ chưa quyết toán dự án nào, nên kiến nghị giảm thu bao nhiêu năm bộ cũng có vẻ “vô can”. Nếu đã quyết toán thì trách nhiệm của Bộ GTVT phải rõ ràng hơn, đúng không ạ?

Ông Hồ Đức Phớc: Vâng. Hiện họ đang thực hiện quyết toán. Sau khi có kết luận của KTNN thì Bộ GTVT đang chỉ đạo lại để quyết toán lại các dự án.

CAND: Xin cảm ơn ông!


Vũ Hân
.
.
.