"Đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”
- Hà Nội thành lập Tổ kiêm tra các dự án BOT, BT
- Kiến nghị xử lý sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng một số dự án BT, BOT
- Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân ở Cà Mau
- Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 38,3 nghìn tỷ đồng
- Đồng ý tăng lương cho Tổng Kiểm toán Nhà nước
Những thông tin này đã được đưa ra tại Hội thảo Khoa học: Cơ chế đầu tư BT- những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19-10.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc – người đã nhiều lần bày tỏ trăn trở với những lỗ hổng trong hình thức đầu tư này: BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) ít bị phản ứng của dư luận hơn do người dân, doanh nghiệp không phải bỏ tiền túi trực tiếp ra khi thanh toán qua trạm và thông tin về loại dự án này còn ít. Đây thực ra là một loại đầu tư công và được thanh toán bằng quyền sử dụng đất và với cơ chế hiện nay, loại hình đầu tư này đã bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém, dễ bị biến tướng, bóp méo và gây ra lợi ích nhóm.
Thất thoát xảy ra ở chỗ: Khu đất để thanh toán cho dự án BT thường là khu đất vàng, ở những vị trí rất thuận lợi, giá trị sinh lời cao; trong khi BT thường được chỉ định thầu, việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, phê duyệt là nhà đầu tư tự làm, quá trình thi công ko giám sát được chặt chẽ, quyết toán ko kịp thời... khiến nhà nước bị “thiệt kép”.
Các diễn giả cảnh báo về nguy cơ thất thoát từ các dự án BT |
Điểm “cốt yếu nhất” – theo Tổng Kiểm toán, là giá đất: Việc định giá mang ý chí chủ quan, không được hình thành trên giá thị trường nên thường thấp, không có tính cạnh tranh. Thêm vào đó, thời điểm thanh toán bằng đất và thời điểm quyết toán công trình xa nhau: Vừa ký hợp đồng BT đã giao đất ngay cho nhà đầu tư, và tính giá ngay ở thời điểm đó; nhưng công trình sau đó mấy năm mới hoàn thành, tạo ra chênh lệch giá. Đặc biệt, sau khi cơn sốt bất động sản qua đi, hàng loạt DN, nhà đầu tư cũng đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả.
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và TS Phạm Quang Tú – Oxfam cũng đã đưa ra những con số rất đáng chú ý: Từ tháng 4-2015 tới tháng 3-2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất. Tại thời điểm tháng 6-2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt và trình Thủ tướng chấp thuận một số dự án khác với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại Hà Nội, 2 dự án BT có biểu hiện nhiều sai phạm cũng đã được nhắc đến nhiều là Dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41 Km đường, mặt cắt đường 40 m, 4 làn xe, từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín); Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Sau 9 năm thực hiện thì mới chỉ xây dựng được 12 Km đường. Đất đai cho phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác!
Thứ hai là Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Gamuda Land thực hiện đã được Kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều sai phạm: chất lượng nhà máy yếu kém, cam kết hợp đồng gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.
Theo GS Đặng Hùng Võ và TS Phạm Quang Tú: Khoảng trống pháp luật về các dự án này là rất lớn. Việc giao đất ngay cho nhà đầu tư trước khi nhà đầu tư hoàn thành công trình là không phù hợp, nhiều nơi tính giá cho nhà đầu tư trên giá đất nông nghiệp - rất thấp, nhưng sau khi có hạ tầng, đường sá đi qua thì thành đất vàng, giá trị có thể tăng lên hàng trăm lần, chênh lệch địa tô là rất lớn.
“Có 2 điểm khiến nhà nước thiệt kép, đó là xác định giá công trình xây dựng – dường như luôn cao hơn thực tế; trong khi giá đất lại luôn thấp hơn” – 2 diễn giả cho biết. Bên cạnh đó, việc giao toàn quyền cho Bộ Tài chính quản lý cũng được cho là một cơ chế gắn với nguy cơ tham nhũng rất cao.
BT đang khá nở rộ tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh BOT đang bị phản đối do đánh vào đúng túi tiền của người dân, nên bị “soi” rất nhiều. Ngược lại, BT thì không, dù đất đai là một loại tài sản, nguồn vốn của Nhà nước và đây cũng là một loại hình đầu tư công. Nhược điểm của phương thức BT là nhiều hơn, tiềm ẩn thất thoát, lãng phí.
Các diễn giả cho rằng “đã đến lúc vĩnh biệt thực sự cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu. Để áp dụng đầu tư theo hình thức BT, cần phải lấp đầy khoảng trống pháp luật về giá trị bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng; về định giá đất đai trả cho nhà đầu tư.
Ths. Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước Kết quả kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng) – đây là một tỷ lệ xử lý rất lớn. Đáng chú ý, hầu hết các dự án kiểm toán đều có sai phạm với tỷ lệ như nhau, cho thấy việc sai phạm là phổ biến chứ không phải cá biệt. |