Đánh “thuế carbon” đề bù cho giá điện gió, mặt trời?
- Khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Đầm Nại
- Việt Nam – Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió
- Nhiều kỳ vọng từ điện gió
- Khởi công dự án Nhà máy Điện gió đầu tiên ở Ninh Thuận
Đây là báo cáo lần đầu tiên được xây dựng, đưa ra những kịch bản phát triển năng lượng khác nhau và chi phí cho các kịch bản đó, để cách nhà hoạch định chính sách có lựa chọn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu.
Việt Nam sẽ phải trả giá đắt nhất nếu để năng lượng phát triển không định hướng
Theo Bộ Công Thương, báo cáo được xây dựng trên cơ sở cập nhật các thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhu cầu năng lượng sơ cấp và nhu cầu điện.
Báo cáo đã đưa ra một kịch bản cơ sở và 7 kịch bản khác với những giả định khác nhau: kịch bản không hạn chế (giả định Việt Nam không theo đuổi chính sách môi trường hay chính sách năng lượng nào), kịch bản hạn chế mức phát thải CO2, kịch bản giá phát thải CO2 (các đơn vị phát thải sẽ phải trả thêm chi phí ở mức 7 USD/tấn CO2 vào 2020 và 20 USD/tấn sau 2020); kịch bản không có nhà máy nhiệt điện than mới vào năm 2035.
Theo các chuyên gia đến từ Đan Mạch, kịch bản không hạn chế là kịch bản Việt Nam phải trả chi phí cao nhất, thậm chí hơn cả kịch bản được coi là rất tham vọng – hoàn toàn không xây mới nhiệt điện than từ 2035. Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam nên theo đuổi một kịch bản phát triển năng lượng tái tạo phù hợp, tuy giá năng lượng sẽ cao hơn một chút so với việc phát triển nhiệt điện than, nhưng lại giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu rất lớn.
Tiềm năng điện gió và mặt trời của Việt Nam vẫn được đánh giá khá cao |
Với kịch bản đề xuất, các chuyên gia cho rằng, đến 2020, Việt Nam sẽ phải trợ giá khoảng 540 triệu USD cho năng lượng tái tạo và con số có thể lên tới 2,56 tỷ USD vào năm 2030 (với tỷ trọng điện gió và mặt trời là 2,5% vào 2020 – tăng 0,1% so với kịch bản phát triển bình thường, và 6,8% vào 2030 – tăng 0,6% so với kịch bản phát triển bình thường), nên cần có một nguồn bù đắp từ thuế carbon. Kịch bản này cũng đưa đến một tương lai ít phụ thuộc vào than nhập khẩu hơn và giảm được 15% phát thải carbon vào 2030 – hướng tới mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP 21.
Điện mặt trời: Dự án đăng ký lớn, nhưng chưa rõ tính khả thi
Có mặt tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng một lần nữa nhấn mạnh: An ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh từ 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng.
Theo dự báo, đến 2030, riêng ngành than đã phải nhập khẩu 80 – 100 triệu tấn/năm; chưa kể phải nhập khẩu điện từ Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các giải pháp Việt Nam đang áp dụng là tăng cường tiết kiệm năng lượng (trong 5 năm từ 2012 đến 2017, bình quân VN tiết kiệm được 5,5% – 6% sản lượng điện đang sử dụng) và khuyến khích năng lượng tái tạo. Hiện Việt Nam đã có gần 300 MW các nhà máy điện gió đang vận hành và lượng các nhà đầu tư đăng ký các dự án điện mặt trời cũng rất lớn, lên tới gần 5000 MW cho giai đoạn từ nay đến giữa 2019.
Bằng mô hình Balmorel, các chuyên gia Đan Mạch cũng tỏ ra hết sức lạc quan về khả năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với tiềm năng điện gió hiện hữu trong ngắn hạn có thể lên tới 27 GW. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều cản trở. TS Nguyễn Mạnh Hiến – Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam tỏ ra chưa tin tưởng vào tiềm năng điện gió lên đến 27 GW và khả năng đạt được có 800 MW điện mặt trời vào 2020, 4000 MW vào 2025, khi hiện chưa có một MW nào.
Trả lời băn khoăn của TS Hiến, đại diện Bộ Công Thương - ông Tăng Thế Hùng, cho rằng không có gì khó để đạt con số này, thậm chí có thể hơn, vì hiện số nhà đầu tư quan tâm đến điện mặt trời rất lớn - đăng ký lên đến hơn 4000 MW đến 2020 và trên 15.000 MW đến 2030. Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong năm nay có thể sẽ có dự án điện mặt trời 10 MW đầu tiên đi vào phát điện, vì hiện chỉ còn một chút vướng mắc về mặt bằng. Tuy vậy, TS Nguyễn Mạnh Hiến chưa bị thuyết phục, khi hiện thậm chí còn chưa có quy hoạch điện mặt trời, nên bài toán nối lưới, truyền tải cũng chưa thể thực hiện được.
Trước sự “truy bức” này của chuyên gia, ông Đặng Huy Cường – phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thừa nhận: Đây cũng là sự lo lắng chung của Bộ Công Thương khi các dự án năng lượng tái tạo được triển khai. Tuy nhiên, phải đến 2018, quy hoạch điện mặt trời mới “ló dạng”, nên giải pháp tình thế hiện nay được áp dụng là Bộ Công Thương sẽ bổ sung các dự án điện mặt trời dưới 50 MW vào quy hoạch điện lưới tỉnh, còn dự án trên 50 MW sẽ báo cáo Thủ tướng. Khả năng đấu nối và truyền tải sẽ được tính đến trong quá trình này.
Về việc khó khăn phát triển các dự án điện gió, đại diện Bộ Công Thương cho biết do mức giá 7,8 cent/kWh chưa đủ hấp dẫn và hiện Bộ này đã trình Thủ tướng nâng giá.