Việt Nam – Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió

Thứ Ba, 29/11/2016, 11:42
Mục tiêu và định hướng phát triển nguồn năng lượng gió ở Việt Nam; khả năng hợp tác năng lượng gió giữa Việt Nam và Đan Mạch và nguồn tài chính cho các dự án điện… là những nội dung cơ bản của hội thảo về năng lượng gió do Đại sứ quán Đan Mạch cùng với Công ty Vestas tổ chức ngày 29-11. 

 

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ  Đan Mạch, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất khu vực Đông Nam Á, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng điện gió là rất lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tận dụng nguồn năng lượng gió còn nhiều hạn chế do yếu tố về công nghệ.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên lắp đặt và đưa vào hoạt động các tua bin gió. ảnh: CGP

Phát biểu tại hội thảo, Đại Sứ Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen nói: “Trong nhiều năm qua Việt Nam và Đan Mạch đã và đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Phát triển của Danida. Và mặc dù nhiều chương trình của Danida tại Việt Nam đang bị tạm dừng nhưng chúng tôi vẫn có thể hỗ trợ các dự án năng lượng gió trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ vốn kinh doanh của Danida thông qua các khoản vay ưu đãi. Chúng tôi vẫn sẽ là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững”.

Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới theo đuổi chiến lược xây dựng hệ thống năng lượng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cách đây hơn 30 năm, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên lắp đặt và đưa vào hoạt động các tua bin gió và cho tới nay vẫn là quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng gió trong nhiều thập kỷ qua.

Ngành điện gió của Đan Mạch hiện nay có sự tham gia hoạt động của hơn 350 doanh nghiệp và đã tạo việc làm cho hơn 30.000 người. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng gió trên thế giới đã dịch chuyển các đơn vị nghiên cứu và phát triển quan trọng tới Đan Mạch và không quốc gia nào trên thế giới có thể bắt kịp Đan Mạch về mức độ tập trung của các doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị điện gió.

Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam năm 2011 đã đề ra mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện toàn quốc lên 7% vào năm 2020 và 10% vào năm 2030 không bao gồm thủy điện. Gió đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu này. Việt Nam may mắn được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực. Tính đến năm 2030, gió sẽ chiếm hơn 2% tổng sản lượng điện.

Lãnh đạo Bộ Công Thương trao giấy phép thành lập Vestas Việt Nam cho đại diện công ty Vestas tại hội thảo sáng 29-11

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng từ Đan Mạch và Việt Nam đã bàn thảo về các vấn đề như: mục tiêu và định hướng phát triển nguồn năng lượng gió ở Việt Nam; nguồn cung cấp địa phương và phát triển chuỗi cung cấp tại Việt Nam phục vụ công nghiệp điện gió; những cơ sở cần thiết để phát triển điện gió; khả năng hợp tác năng lượng gió giữa Việt Nam và Đan Mạch và nguồn tài chính cho các dự án điện.

Phía Đan Mạch trong đó có đại diện là Công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió Vesta  khẳng định, trong thời gian tới sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng và vận hành những trang trại gió ổn định tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh trao đổi công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam để cung cấp những thiết bị cần thiết cho ngành công nghiệp điện gió. 

Sông Thương
.
.
.