Bảo tồn và phát triển: Đánh đổi thì con cháu không còn gì
- Đến 30-8 báo cáo Thủ tướng về quy hoạch bán đảo Sơn Trà
- Tháo dỡ 40 móng biệt thự xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà
- Sẽ đề nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch bán đảo Sơn Trà
- “Vệt nước màu đỏ” tại bán đảo Sơn Trà chỉ là ấu trùng ruốc
Xung quanh việc xây dựng Luật Du lịch mà Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc chiều 29-5, chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này.
PV: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi động đã bám sát suốt quá trình soạn thảo dự án luật này, ông đánh giá thế nào về những thay đổi của Dự thảo Luật Du lịch lần này?
Ông Nguyễn Văn Tuyết: Có thể thấy, ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng để tiếp thu tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nên, trong dự thảo lần này, tại điều 5 đã quy định khá cụ thể ưu đãi về đầu tư, phát triển cho du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, có quy định về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Quy định này đã xác định được nguồn thu của quỹ, nhưng điều quan trọng hơn chúng tôi quan tâm là sau khi có quỹ thì sử dụng quỹ đó như thế nào cho hiệu quả nhất? Dư luận cho rằng các dự thảo luật hay đưa quỹ vào, kiểm soát, quản trị và sử dụng không hiệu quả thì sẽ gây lãng phí. Nhưng chúng ta không nên từ thái cực này sang thái cực kia. Khi có quỹ này sẽ có kinh phí để xúc tiến du lịch.
Trong nghị quyết 08 cũng đã xác định cần hình thành quỹ, nhưng điều tôi thấy quan trọng hơn là quản lý được hội đồng sử dụng các quỹ này như thế nào để kiểm soát được hiệu quả. Trong luật quy định Thủ tướng sẽ thành lập hội đồng quản lý quỹ và cơ chế sử dụng nguồn quỹ này.
PV: Điều ông kỳ vọng nhất vào dự án luật này là gì?
Ông Nguyễn Văn Tuyết: Tôi kỳ vọng nhất vào những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư, phát triển, vì thực ra du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển thì không chỉ có Luật Du lịch làm được điều ấy.
Cùng với Luật Du lịch này thì các luật khác cũng cần có những chỉnh sửa để góp sức cho ngành du lịch phát triển. Tôi lấy ví dụ như những vấn đề liên quan tới đất đai, tài chính. Luật đưa ra các chính sách, nhưng chính sách ấy nằm ở các luật khác nữa thì phải tiếp tục có sửa đổi để giúp du lịch phát triển.
Ông Nguyễn Văn Tuyết |
PV: Nguồn thu của Quỹ xúc tiến du lịch sẽ đến từ đâu, liệu có trích từ phí và lệ phí liên quan?
Ông Nguyễn Văn Tuyết: Phí và lệ phí theo quy định phải nộp về ngân sách nhà nước. Nhưng nếu chúng ta không quy định việc trích 1 phần cho quỹ xúc tiến du lịch thì rõ ràng sẽ không có nguồn, hay phí cấp thị thực nhập cảnh.
Nếu không chỉ rõ nguồn thu thì rất khó. Nhưng tôi vẫn nói lại, đó là tiền thuế của dân, nên điều đáng quan tâm nhất là sử dụng quỹ có hiệu quả, công khai minh bạch, thành phần hội đồng quản lý quỹ phải có quy chế, quy định.
PV: Nhiều DN muốn đóng góp vào quỹ này, trường hợp đó phải lưu ý điều gì?
Ông Nguyễn Văn Tuyết: Theo tôi, khi DN đóng góp vào quỹ thì đại diện DN đó phải tham gia vào quỹ để họ có điều kiện kiểm soát và chi phối hoạt động của quỹ và họ thấy được rằng sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Khi biết được tiền của mình được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao thì họ sẽ sẵn sàng đóng góp; và họ cũng có lợi ích từ việc đóng góp, nên tôi tin họ sẽ hoạt động hiệu quả. Các nước xung quanh ta họ cũng làm như vậy.
PV: Trên thực tế, nhiều “đại gia” đã thực hiện các dự án phát triển du lịch tại nhiều danh thắng có tiếng của cả nước, nhiều người đã lên tiếng phản đối vì phá hủy cảnh quan môi trường? Quan điểm cá nhân của ông thế nào về việc bảo tồn và phát triển. Hai yếu tố này liệu có hài hòa được không?
Ông Nguyễn Văn Tuyết: Về nguyên tắc bảo tồn mà không sử dụng thì cũng không ổn. Nhưng khi phát triển sẽ ảnh hưởng tới việc bảo tồn. Làm sao giảm thiểu được tối đa ảnh hưởng tiêu cực của phát triển, chứ đánh đổi thì con cháu không còn gì. Phải cân nhắc để hài hòa, bền vững, cái nọ hỗ trợ cho cái kia.