Điền kinh Việt Nam với tham vọng giành HCV cự ly ngắn ở SEA Games 29:

Vững chân trên mặt đất

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:44
Tin vui liên tiếp dội về từ Giải Điền kinh Thái Lan mở rộng 2017, đang diễn ra ở Thái Lan, được coi như đợt thi đấu cuối của điền kinh Việt Nam trước khi bước vào SEA Games 2017.

Trong số này, 2 tấm huy chương vàng (HCV) trên đường chạy 100m và 200m của cô gái trưởng thành từ làng điền kinh Thành phố Hồ Chí Minh Lê Tú Chinh vẫn gây ấn tượng hơn cả. Nhưng có gây ấn tượng đến mấy thì cô gái này vẫn phải giữ được đôi chân trên mặt đất.

Thế mạnh một thuở

Trong điền kinh, nội dung 100m và 200m vẫn có sự hấp dẫn đặc biệt. Cho đến trước khi Vũ Thị Hương làm bá chủ đường chạy 100m ở đấu trường SEA Games vào năm 2005, điền kinh Việt Nam đã giành được nhiều HCV SEA Games ở các cự ly khác nhưng vẫn chưa nhận được sự công nhận vị thế hàng đầu của làng điền kinh Đông Nam Á.

Chỉ đến khi Vũ Thị Hương lên ngôi vô địch nội dung 100m nữ và giành huy chương bạc (HCB) nội dung 200m nữ tại SEA Games năm 2005 tại Philippines thì vị thế của điền kinh Việt Nam tại Đông Nam Á đã khác hẳn.

Với Vũ Thị Hương, điền kinh Việt Nam đã có một khoảng thời gian dài tạo nên sự vị nể trong làng điền kinh châu Á lẫn Đông Nam Á. Chân chạy người Thái Nguyên – sau này đầu quân cho An Giang, đã thực sự giúp điền kinh Việt Nam có thế mạnh không thể tranh cãi.

6 tấm HCV tại đấu trường SEA Games từ năm 2003 đến 2013, 1 tấm HCB và 1 huy chương đồng (HCĐ) tại ASIAD năm 2010, 1 tấm HCV tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á năm 2009, 3 HCB và 1 HCĐ tại các giải vô địch Châu Á năm 2007 và 2009… đã đưa Vũ Thị Hương trở thành một tượng đài của điền kinh Việt Nam.

Đó có thể coi là khoảng thời gian đáng nhớ của điền kinh Việt Nam dù bên cạnh đó còn không ít thành tích nổi bật, nhất là trên hố nhảy cao nữ hay trên đường chạy 800m và 1.500m nam, nữ. Tuy vậy, lại hiếm vận động viên Việt Nam đạt được tầm cỡ châu lục như Vũ Thị Hương.

Khi cô gái này giã từ đường chạy vào năm 2015, điền kinh Việt Nam đã có chút hụt hẫng trong việc tìm người thay thế. Quanh đi quẩn lại không có người thế chỗ xứng đáng. Cuối cùng giải pháp mang tên Nguyễn Thị Oanh được tính đến và thử nghiệm ở SEA Games năm 2015.

Nguyễn Thị Oanh vốn thành danh ở đường chạy 400m nữ nhưng sự nổi lên của Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan khiến cô gái Hà Nội phải tìm đến cự ly 100m và 200m để có cơ hội “săn” HCV SEA Games. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên thi đấu cá nhân ở cự ly ngắn tại đấu trường SEA Games, Nguyễn Thị Oanh chỉ đạt 1 HCĐ ở đường chạy 200m.

Sau đó, chấn thương kéo dài đã khiến Nguyễn Thị Oanh không còn giữ được vị thế hàng đầu quốc gia. Còn điền kinh Việt Nam lại lo lắng khi hướng về SEA Games 29 năm 2017 khi khả năng tranh chấp HCV nội dung 100m và 200m nữ vẫn bỏ ngỏ.

Lê Tú Chinh (giữa) đang đạt phong độ tốt.

Kỳ vọng vào Lê Tú Chinh

Tuy nhiên, sự thăng tiến vượt bậc của Lê Tú Chinh trong hơn 1 năm gần đây đã tạo niềm tin cho những nhà quản lý, chuyên môn. Mở màn là tấm HCV nội dung 200m nữ ở Giải Điền kinh trẻ Châu Á năm 2016 cách đây 1 năm và bây giờ, thành tích của cô gái này đang thăng tiến ổn định, tiệm cận mức tốt nhất của đàn chị Vũ Thị Hương.

Cuối năm ngoái, ở nội dung 100m tại Giải Điền kinh vô địch quốc gia, Lê Tú Chinh đã đạt mốc 11 giây 64. Chỉ sau 7 tháng, ở Giải Điền kinh Thái Lan mở rộng 2017, cô gái mới 21 tuổi này – được huấn luyện hoàn toàn bởi HLV nội, đã đạt mốc 11 giây 47.

Thành tích này vượt cả thành tích đoạt HCV SEA Games năm 2013 của đàn chị Vũ Thị Hương và thành tích đoạt HCV SEA Games năm 2015 của chân chạy người Philippines Kayla Anise Richardson.

Đến nội dung 200m ở Giải Điền kinh Thái Lan mở rộng năm 2017, Lê Tú Chinh cũng giành HCV với thành tích 23 giây 52. Đây cũng là thông số ấn tượng khi vượt qua cả thành tích đoạt HCV nội dung 200m nữ ở SEA Games 28 của VĐV Veronica Pereira (Singapore). Tại giải này, Veronica Pereira cũng tham dự và xếp nhì với thành tích  23 giây 60.

Cả hai thông số thành tích tại Giải Điền kinh Thái Lan mở rộng năm 2017 đều là tốt nhất với Lê Tú Chinh từ trước đến nay. Không ngẫu nhiên khi Trưởng Bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) Dương Đức Thủy đã khẳng định rằng chỉ cần giữ được thành tích này là Lê Tú Chinh có thể giành HCV tại SEA Games 29, để lấy lại thế mạnh cho điền kinh Việt Nam.

Còn nhiều nhà chuyên môn đã nhắc tới Lê Tú Chinh như người kế thừa xứng đáng Vũ Thị Hương. Nhưng chính ông Dương Đức Thủy cũng thận trọng khi cho rằng sân chơi SEA Games sẽ có áp lực lớn hơn rất nhiều so với một giải mời như giải Thái Lan mở rộng.

Ở đó, tâm lý không vững sẽ khó thể hiện được phong độ tốt nhất và Lê Tú Chinh cũng không là ngoại lệ. Cô gái 21 tuổi này dù có tiếng là lì lợm, bản lĩnh trên đường chạy nhưng chưa thi đấu ở SEA Games thì chưa thể nói trước khả năng giành HCV.

Đây lại là giai đoạn quan trọng để các HLV đưa ra những giải pháp tâm lý chứ không hẳn chỉ là chuyên môn để niềm hy vọng mới của điền kinh Việt Nam ở cự ly ngắn này có thể vững chân trên mặt đất. Chỉ có vậy mới bảo đảm điền kinh Việt Nam có thể tìm thấy thế mạnh thuở trước của mình.

Nguyễn Thị Oanh xuống vị trí số 2

Với sự tiến bộ không ngừng của Lê Tú Chinh, vị trí số 1 trên đường chạy ngắn ở đội tuyển điền kinh quốc gia đương nhiên thuộc về cô gái Thành phố Hồ Chí Minh này.

Còn niềm hy vọng số 1 trên đường chạy ngắn ở SEA Games năm 2015 của điền kinh Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh sẽ xuống vị trí số 2. Nghỉ thi đấu hơn 1 năm, cô mới trở lại thi đấu tại Giải điền kinh Hà Nội mở rộng 2017 cách đây hơn 1 tháng nên chưa đạt phong độ tốt nhất.

Các nhà chuyên môn đang hy vọng sự tiến bộ của Lê Tú Chinh sẽ là động lực để Nguyễn Thị Oanh bứt lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.