“Bước ngoặt” của điền kinh Việt Nam

Thứ Tư, 26/10/2016, 09:41
Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển điền kinh Việt Nam được một nhà sản xuất chuyên đồ thể thao tài trợ riêng chuyên biệt. Từ trước đến nay, điền kinh (cấp độ đội tuyển) chưa một lần được thương hiệu nào tìm đến tài trợ. Bây giờ, mọi chuyện đã đổi khác. Nhìn vào thể thao Việt Nam nói chung, hiện tại, một số nhà sản xuất bắt đầu tìm đến từng cá nhân và đội tuyển thể thao để đồng hành...

Tự tin nhờ sản phẩm “xịn”

Tuyển thủ quốc gia của đội điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh cho biết, “với việc được tài trợ sử dụng sản phẩm thể thao chuyên biệt, chắc chắn chúng tôi tự tin hơn và đạt được kết quả tốt hơn trong thi đấu”.

Trước đó, Phó tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc nhà sản xuất chuyên đồ thể thao Lining đồng hành với đội điền kinh Việt Nam trong một hợp đồng kéo dài 5 năm liên tiếp là bước ngoặt của đội tuyển nói chung.

Trong các đội tuyển thể thao hiện tại của Việt Nam, bóng đá là đội tuyển từ lâu luôn có được các nhà sản xuất chuyên đồ thể thao tài trợ mạnh nhất. Nhiều đội tuyển khác luôn mơ ước điều ấy với mình.

Trước SEA Games 25-2016, đội tuyển bơi Việt Nam từng được thương hiệu Arena tài trợ chuyên biệt với gói lên đến trăm triệu nhằm cung cấp trang phục và các công cụ hỗ trợ thi đấu. Tuy nhiên, đấy chỉ là tài trợ ngắn hạn trong một giải nhất định chứ không dài hạn nhiều năm như bóng đá hay điền kinh đã có.

Mặt khác, thường các đội tuyển thể thao Việt Nam được tài trợ, nhưng là từ nhà sản xuất chuyên đồ thể thao quốc nội. Không ít lần nhận được những sản phẩm tài trợ này, nhiều tuyển thủ đều ngán ngẩm lắc đầu do kích cỡ không vừa, chất vải không thoải mái trong thi đấu. Do vậy, phải tìm được nhà sản xuất chuyên đồ thể thao từ nước ngoài đồng hành luôn là một nhiệm vụ khó với tất cả các đội tuyển thể thao Việt Nam.

Chúng ta không so sánh đánh giá để nói thương hiệu nào hơn thương hiệu nào. Thế nhưng, vận động viên là những người phản ánh rõ nhất. Sản phẩm thể thao là dành cho họ và chỉ họ cảm nhận đâu là thứ phù hợp cho mình. Nhiều tuyển thủ điền kinh trước đây chấp nhận bỏ tiền túi cá nhân để mua những đôi giày hay quần, áo thi đấu từ các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

“Sản phẩm thể thao cũng phải “đáng đồng tiền bát gạo” thì khi ra thi đấu mình sẽ tự tin hơn”, cựu tuyển thủ Vũ Thị Hương trước đây từng chia sẻ. Bây giờ, sản phẩm “xịn” đến tận tay từng tuyển thủ (theo chia sẻ của nhà tài trợ là sản phẩm thiết kế và đo kích cỡ phù hợp cho từng cá nhân) thì là điều tốt cho tất cả.

Đội tuyển điền kinh trong trang phục mới.

Tiến Minh vẫn là số 1

Nhưng thực tế cho thấy, nhà sản xuất đồ thể thao trên mới chỉ tài trợ cho tập thể đội điền kinh Việt Nam. Hiếm có tuyển thủ nào được tài trợ cá nhân chuyên biệt. Với các môn thể thao thành tích cao, chúng ta đã có nhiều tuyển thủ được các thương hiệu tìm đến tài trợ riêng.

Trong bơi, hãng Arena từng tài trợ 7000 USD bằng sản phẩm cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Và cũng riêng kình ngư này sau đó còn được thương hiệu nổi tiếng Speedo đồng hành riêng.

Gương mặt trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm còn được nhận 120 triệu đồng/năm tài trợ từ Arena. Một số vận động viên bóng bàn cũng có được tài trợ từ sản phẩm đồ thể thao nước ngoài. Tuy nhiên, con số rất ít và không thật sự đông đảo.

Trong lịch sử thể thao Việt Nam, tính về cá nhân, Nguyễn Tiến Minh là vận động viên được tài trợ riêng mạnh mẽ nhất. Hiện tại thì Minh đang được sản phẩm Mizuno (Nhật Bản) đồng hành với mức 1 tỷ đồng/năm.

Trước đấy, trong từng giai đoạn, nhiều thương hiệu như Kawasaki rồi Yonex đã ký tài trợ riêng sản phẩm cho Tiến Minh. Mức tài trợ không kém số tiền mà Mizuno đang thực hiện cùng tay vợt của TP Hồ Chí Minh như lúc này.

Vì đâu mà vận động viên được tài trợ mạnh mẽ như vậy? Mấu chốt là từ năng lực chuyên môn của họ. Những cái tên như Tiến Minh, Ánh Viên, Phương Trâm... là thần tượng thể thao và tạo được sức hút đến người hâm mộ. Nhà tài trợ tìm đến họ cũng là để phát triển thương hiệu. Điều này, thể thao phát triển thế giới đã có nhiều năm qua.

Còn dè dặt

Thế hệ điền kinh Việt Nam trong 10 năm trước đã có nhiều người thật sự được khán giả mến mộ đáng kể, như Nguyễn Duy Bằng, Bùi Thị Nhung, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương...

Đáng tiếc, họ là những tuyển thủ nổi bật nhưng chưa một ai được ký hợp đồng tài trợ riêng về sản phẩm thể thao. Nhiều thương hiệu của nước ngoài có mặt tại Việt Nam khá lâu nhưng khá dè dặt trong việc muốn ký hợp đồng với riêng một vận động viên. Bởi lẽ, dù vận động viên đó nổi bật nhưng khó tạo được sức hút đông đảo để nhiều người muốn tập luyện, thi đấu như mình. Điền kinh và một ví dụ như vậy.

Trường hợp của Ánh Viên và Nguyễn Tiến Minh đã tạo được hiệu ứng khi nhiều em nhỏ, bậc phụ huynh thay đổi tư duy tìm đến bơi lội và cầu lông. Do đó, thương hiệu tài trợ cho họ mới phát triển được thị trường. Hiện tại, một số môn được cho sẽ tạo hiệu ứng tốt trong xã hội là xe đạp, bóng rổ. Hy vọng, sự dè dặt sẽ không còn nữa để thêm nhiều vận động viên được hỗ trợ tốt hơn thì sẽ đạt kết quả thi đấu khả quan.

DP

Diệu Phương
.
.
.