Điền kinh Việt Nam : Đầu tư và tính hiệu quả

Thứ Tư, 04/11/2015, 09:17
Trong trao đổi mới nhất cùng lãnh đạo ngành Thể thao với đại ý rằng chúng ta sẽ nhắm đạt được bao nhiêu suất chính thức dự Olympic 2015, lời lý giải rằng mục tiêu vẫn phấn đấu có khoảng 15 suất. Nỗ lực và trọng tâm vẫn đang hướng vào môn điền kinh dù chúng ta biết cơ hội của Việt Nam giành được vé chính thức đang rất khó.


Dám mạnh tay

Điền kinh trong năm 2015 có 5 vận động viên (VĐV) được nằm trong danh sách các VĐV nhận đầu tư đặc biệt để hưởng chế độ 800.000 đồng/người/ngày (trong đó có 400.000 đồng/ngày là tiền dinh dưỡng và 400.000 đồng/ngày là tiền công). Mới nhất, 1 trong 5 cái tên là Trần Huệ Hoa đã bị loại khỏi danh sách trên.

Quyết định loại Huệ Hoa khỏi danh sách được bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) dựa trên thông số chuyên môn của VĐV người TP Hồ Chí Minh này khi cô liên tục trồi sụt phong độ thời gian dài từ đầu năm. Huệ Hoa thi đấu nội dung nhảy 3 bước nữ. Tại SEA Games 27/2013, Huệ Hoa đã đạt mức 14m12 (lúc đó vượt chuẩn cũ do Olympic đề ra là 14m10). Bây giờ, chuẩn mới để có thể nhận suất dự Olympic 2016 của nội dung là 14m20. Từ SEA Games 27 đến nay, Huệ Hoa liên tục bị tụt phong độ và khả năng có thể đạt ngưỡng chuẩn Olympic gần như không thể. SEA Games 28/2015 cô đạt 13m73. Kết quả gần nhất của Huệ Hoa tại giải điền kinh toàn quốc là 13m56.

Trưởng bộ môn điền kinh, ông Dương Đức Thủy cho biết các VĐV trong danh sách nhận chế độ cao là để đầu tư cho các giải quốc tế quan trọng, trong đó có tranh cơ hội dự Olympic 2016. Hoa có thể gặp chấn thương lưng nhưng phong độ của VĐV bị giảm sút như vậy rất đáng quan ngại nên bị loại. Trong việc các môn đề xuất danh sách VĐV để nhận đầu tư, đến bây giờ, điền kinh là môn duy nhất đã mạnh tay loại VĐV không cho hưởng chế độ cao nữa vì đi xuống chuyên môn.

Huệ Hoa là trường hợp khá hy hữu dù không ai muốn. Mặc dù vậy, trong một cách nhìn khác, một số chuyên gia điền kinh phân tích rằng nếu VĐV bị đau lưng thì khó đạt được mức nhảy ngoài 13m như Hoa đã làm được thời gian qua. Phải chăng, vấn đề nằm ở tâm lý VĐV. Từ lâu, Huệ Hoa được xem là của báu của điền kinh TP Hồ Chí Minh nên mỗi lần triệu tập ĐTQG cô thường được ưu ái tập tại TP Hồ Chí Minh mà không phải tập trung cùng nhóm nhảy ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Quan trọng vẫn là cách thực hiện và sự quan tâm thật sát sườn, VĐV mới không gặp tâm lý thiếu quyết tâm.

Trần Huệ Hoa đã bị loại vì phong độ không tốt.

Có khi phải dự bằng vé vớt

Theo nguyên HLV đội điền kinh Việt Nam và giờ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ thì với tiêu chí xét suất chính thức từng nội dung của Olympic 2016 như lúc này, Nguyễn Thị Huyền khó có cơ hội nhận suất trực tiếp. Huyền hiện tại chỉ đạt điều kiện cần là vượt qua chuẩn Olympic (đạt mức 52 giây tại cự ly 400m và 56 giây 15 cự ly 400m rào) nhưng chưa có điều kiện đủ. Liên đoàn điền kinh thế giới có thêm một thông báo sẽ trao suất chính thức dự Olympic 2016 cho 48 VĐV đạt chuẩn tốt nhất trong từng nội dung. Hiện tại, Huyền đang cách khá xa thứ hạng trên.

Trong kế hoạch sau SEA Games 28/2015, điền kinh tiếp tục cử VĐV đi Mỹ tập huấn và Quách Thị Lan, Quách Công Lịch đã được đi. Huyền cũng được nhắm đi nước ngoài tập huấn thế nhưng lúc này cô đang chấn thương nên khả năng thi đấu tập luyện cải thiện thành tích chuẩn gần như chưa thể. Vẫn bảo lưu quan điểm phải đầu tư cho VĐV ra nước ngoài tập luyện thì thành tích sẽ tốt hơn, lãnh đạo bộ môn cho biết tiến trình của điền kinh vẫn là 5 VĐV có thể được ra nước ngoài. Năm 2013, tuyển điền kinh có 4 VĐV nữ thuộc tổ 400m đi Mỹ tập huấn được đầu tư chi phí gần 149 ngàn USD. Kế hoạch tập huấn dành cho tranh suất Olympic 2015 được giữ kín. Tuy nhiên, tùy theo ngân quỹ và kế hoạch cụ thể, tuyển điền kinh mới cử con người cụ thể ra nước ngoài. Điền kinh Việt Nam đứng trước viễn cảnh sẽ không có suất chính thức dự Olympic 2016. Như thế, chúng ta sẽ phải dự bằng chiếc vé đặc cách của ban tổ chức. Không loại trừ, khi phong độ chưa tốt và chấn thương chưa bình phục, Huyền có thể không phải cái tên được trao vé đặc cách trên tới Brazil dự Olympic 2016.

Đầu tư trọng điểm sẽ phụ thuộc vào tiền

Thể thao Việt Nam đang đề xuất 3 dự án trong chương trình đào tạo HLV, VĐV hướng tới các mục tiêu cao nhất nhưng dài hạn đối với ASIAD 2018, Olympic 2020. Trong các dự án này, việc đầu tư VĐV trọng điểm được nhắc tới. Số tiền cụ thể sẽ đầu tư cho chương trình VĐV trọng điểm áng chừng hơn 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiền trên (nếu có) sẽ tiến hành trong từng giai đoạn với các nhiệm vụ quan trọng khác nhau và tất cả chỉ được thực hiện khi có liên bộ Tài chính - VH-TT&DL thông qua. Thể thao Việt Nam vẫn nhắm tìm con người tốt nhất cho 10 môn số 1 nhưng trọng tâm vẫn vào các môn là cử tạ, bơi, bắn súng, điền kinh, xe đạp, đấu kiếm, TDDC.

D.P.

Vì chấn thương hay rơi phong độ?

Theo IAAF, Nguyễn Thị Huyền xếp hạng 77 ở cự ly 400m nữ với thành tích 52”00 (cô đạt ở SEA Games 28). Trong khi đó, VĐV số 1 thế giới hiện nay là Allyson Felix (Mỹ) đang dẫn đầu với 49”26, cách rất xa thành tích của Huyền. Chưa kể, xếp trên cô gái vàng của điền kinh Việt Nam còn cả… núi ngôi sao khác, chẳng hạn là Shaunae Miller (Bahamas) với 49”67, Francena McCorory (Mỹ, 49”83)… Một danh sách dài dằng dặc các ngôi sao ở cự ly này đạt thông số thành tích rất ấn tượng tính đến tháng 8 năm nay. Thông số 52”00 của Huyền vì thế trở nên lẻ loi trước các đồng nghiệp.

Ở cự ly 400m rào nữ, Huyền đang xếp thứ 52 với 56”15. Người dẫn đầu là Zuzana Hejnova (CH Séc, 53”50), trong khi hàng loạt VĐV Mỹ, Đan Mạch, Jamaica, Nam Phi, Bahrain… đều có chỉ số thành tích cao hơn VĐV của Việt Nam từ 2-3 giây.

Diệu Phương
.
.
.