Vật Việt Nam đánh vật với vòng loại Olympic 2020

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:38
Đội tuyển vật Việt Nam vẫn chưa biết sẽ thi đấu vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á tại địa điểm nào sau khi Trung Quốc, Kyrgyzstan lần lượt hủy đăng cai vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.


Tuy nhiên, sau trải nghiệm tại Giải vô địch châu Á 2020, mới kết thúc hồi cuối tháng 2 vừa qua tại Ấn Độ, mục tiêu giành 2 vé dự Olympic 2020 - trong đó chủ yếu trông vào các đô vật nữ, vẫn nguyên vẹn.

Đi để biết mình biết người

Giải vô địch vật châu Á 2020 vào cuối tháng 2 vừa qua tại Ấn Độ được xem là cơ hội quý giá để các đô vật Việt Nam đánh giá được thực lực.

Gọi là “quý giá” bởi từ trước đến nay, kinh phí thi đấu quốc tế của Tổng cục TDT còn hạn chế khiến các đô vật Việt Nam hiếm có cơ hội thi đấu quốc tế trong năm. Trong khi đó, người trong nghề đều hiểu rằng các đô vật chỉ có thể nâng trình độ một cách nhanh chóng nếu được thi đấu quốc tế thường xuyên.

Đô vật Nguyễn Thị Mỹ Hạnh được hy vọng giành vé dự Olympic 2020.

Thường thì các đô vật Việt Nam chỉ được dự Giải vô địch Đông Nam Á, châu Á hoặc Giải thế giới trong mỗi năm diễn ra các giải đấu này. Trong khi đó, trên thế giới có hàng chục giải vật quốc tế mỗi năm để giúp đô vật tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới. Không kể, tại vòng loại Olympic 2020, Liên đoàn vật thế giới đưa ra một số thay đổi về cách tổ chức so với các vòng loại Olympic trước.

Theo đó, việc xếp thi đấu không còn trông vào bốc thăm – vốn mang nhiều yếu tố may rủi, trong đó không ít đô vật Việt Nam được hưởng lợi từ việc này. Thay vào đó, Ban Tổ chức căn cứ vào thứ hạng thế giới để xếp nhánh thi đấu.

Những đô vật có thứ hạng hàng đầu sẽ vào các vị trí thuận lợi để không phải sớm gặp các đô vật khác có thứ hạng tương đương hoặc hơn một chút. Để có thứ hạng này, các đô vật phải tích cực tham dự các giải quốc tế nhằm tích điểm, nâng thứ hạng.

Tuy nhiên, vẫn vì lý do kinh phí, kể cả khi chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2020, các đô vật Việt Nam cũng không tham dự nhiều giải đấu hơn các năm trước. Đó là thiệt thòi, bất lợi cho các đô vật Việt Nam. Việc được dự SEA Games 30 năm 2019 cũng không giúp ích quá nhiều về chuyên môn do trình độ các đô vật khác ở sân chơi này đều thua kém các đô vật Việt Nam.

Thế nên, từ cách đây cả năm, những người có trách nhiệm với vật Việt Nam đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thi đấu tại Giải vô địch vật châu Á 2020. Đây là giải đấu có thể kiểm nghiệm trình độ của các đô vật nữ có khả năng tranh vé dự Olympic 2020 ở vòng loại khu vực châu Á, dự kiến vào cuối tháng 3. Giải đấu quy tụ những đô vật mạnh nhất châu lục trong đó có những người đã giành vé dự Olympic 2020 và cả những đô vật sẽ thi đấu tại vòng loại khu vực châu Á, qua đó sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho các đô vật Việt Nam.

Kết quả tại giải này không ngoài dự báo của Ban huấn luyện. 4 đô vật nữ Việt Nam, trong đó có những đô vật trọng điểm trong hành trình tranh vé dự Olympic 2020 như Kiều Thị Ly, Đào Thị Hương, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, đều lọt vào trận tranh Huy chương đồng. 

Dù vậy, cả 4 đô vật đều không thể giành Huy chương đồng. Trên hành trình đến với trận tranh Huy chương đồng, họ cũng có trận thua tuyệt đối. Như nhìn nhận của huấn luyện viên trưởng đội tuyển vật nữ quốc gia Nguyễn Huy Hà, đó là kết quả phù hợp với trình độ của các đô vật Việt Nam.

Khắc phục khó khăn

Ngoài khó khăn về cơ hội thi đấu quốc tế, các đô vật Việt Nam còn phải đối mặt một số khó khăn khách quan. Theo đó, hạng 48kg nữ, từng có vận động viên góp mặt ở cả Olympic 2012 và 2016, đã không còn trong chương trình thi đấu quốc tế.

Tại Olympic 2020 chỉ có 6 hạng cân nữ là 50kg, 53kg, 57kg, 62kg, 68kg, 76kg. Những hạng như 53kg (Kiều Thị Ly), 57kg (Đào Thị Hương), 62kg (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh) được đánh giá là phù hợp hơn cả với lực lượng hiện tại của vật nữ Việt Nam. Dù vậy, chưa đô vật nào trong số này chứng tỏ được những tố chất đặc biệt để có thể dễ vượt qua vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á.

Đáng chú ý, hành trình chuẩn bị của đội cho vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á cũng còn khó khăn về địa điểm tập huấn quốc tế. Ở nhiều kỳ giải quốc tế trước đây, đội tuyển vật Việt Nam thường tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc) – nơi có điều kiện ăn, ở, tập luyện và “quân xanh” giúp các đô vật Việt Nam nâng trình độ hơn hẳn. Thế nhưng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến đội phải hủy bỏ chuyến tập huấn tại Trung Quốc.

Trong khi đó, đội cũng không thể tìm các địa điểm tập huấn quốc tế khác. Hàn Quốc đã được xem là giải pháp thay thế nhưng hiện tại đang là một trong những quốc gia có nhiều người nhiễm dịch COVID-19 nhất ngoài Trung Quốc. Vì vậy, đội tuyển vật Việt Nam đành chọn giải pháp tập huấn trong nước. Như thế khó có thể tạo nên đột phá về chuyên môn. 

“Nhưng trong tình cảnh hiện nay, thầy trò của đội phải chấp nhận và khắc phục. Lúc này, các đô vật càng phải nỗ lực gấp bội để khắc phục khó khăn” – huấn luyện viên trưởng Nguyễn Huy Hà khẳng định.

Thậm chí dịch COVID-19 cũng khiến địa điểm thi đấu vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á liên tục thay đổi. Sau khi không thể diễn ra ở Trung Quốc, vòng loại đã được chuyển tới Kyrzyzstan. Nhưng cách đây ít ngày, phía Kyrzyzstan thông báo cũng không thể đăng cai vòng loại. Địa điểm thi đấu chỉ có thể được xác định trong tuần này. 

Điều đó khiến đội tuyển vật Việt Nam phải liên tục thay đổi kế hoạch di chuyển cũng như thích nghi với điều kiện thi đấu. Đội tuyển từng tính đến việc sẽ đi tập huấn ngắn hạn ở Kyrzyzstan trước khi bước vào thi đấu nhưng kế hoạch lại không thành hiện thực.

Rõ ràng, để có thể lần thứ ba liên tiếp giành vé dự Olympic lại không hề đơn giản, trong đó đòi hỏi sự đầu tư khi tập huấn trong nước tốt hơn mọi khi. Như chính huấn luyện viên đội tuyển vật nữ quốc gia Nguyễn Huy Hà từng có lần đề cập thì “khá nan giải” dù “khó người, khó ta”. Nhưng có gặp gian nan mới tỏ năng lực. Đó cũng là thử thách thú vị cho những người có trách nhiệm với vật Việt Nam.

Thứ hạng quốc tế bất lợi

Hiện tại, ở các hạng cân của Olympic 2020, các đô vật nữ Việt Nam đều không trong nhóm 20 đô vật hàng đầu thế giới. Phần lớn nguyên nhân đến từ việc các đô vật nữ Việt Nam ít cơ hội thi đấu quốc tế, nơi hệ thống giải quốc tế khá phong phú với hàng chục giải đấu tích điểm mỗi năm. 

Để giải bài toán kinh phí, phương án đối ứng giữa Tổng cục TDTT với các địa phương chủ quản những đô vật được đầu tư trọng điểm đã được thực hiện nhưng dường như chưa đủ. (Minh Hà)

Minh Khuê
.
.
.