Vật Việt Nam với vòng loại Olympic 2020: Tấm vé xa tầm tay

Thứ Tư, 17/04/2019, 09:10
Hơn một tuần nữa, Đội tuyển vật Việt Nam bước vào giải đấu quốc tế đầu tiên trong năm 2019 của mình là giải vô địch châu Á tại Trung Quốc. Đấy là giải đấu quý giá với các đô vật Việt Nam lúc này, nhất là khi việc tham dự các giải đấu quốc tế ngày càng khó khăn. Trong khi đó, đấy là yếu tố tiên quyết để có thể góp mặt ở Olympic 2020.


Dấu ấn nhất định

Môn vật từng có lúc đứng trước nguy cơ không được góp mặt tại Olympic 2020 dù từng là môn thể thao có truyền thống bậc nhất của Olympic hiện đại. Phải sau một cuộc bỏ phiếu vào năm 2013 của Ủy ban Olympic quốc tế, môn vật mới chính thức được góp mặt ở kỳ Olympic 2020 và 2024. Còn số phận của môn vật ở các kỳ Olympic sau đó lại phải được bàn luận và có thể là bỏ phiếu.

Vật Việt Nam từng thon thót với số phận của môn vật ở đấu trường Olympic. Đơn giản, đấu trường này giúp vật Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn. Từ việc tham dự Olympic 1980 theo diện mời cho đến việc tham dự và lần đầu có đô vật vượt qua vòng loại Olympic năm 2012 đã khiến môn vật có một vị thế đáng nể trong làng thể thao Việt Nam. 

Câu chuyện đô vật Nguyễn Thị Lụa tham dự Olympic 2012 với suất chính thức được xem là điểm nhấn đáng chú ý của vật Việt Nam. 4 năm sau, Nguyễn Thị Lụa (hạng 53kg) và đàn em Vũ Thị Hằng (hạng 48kg) cùng giành vé tham dự Olympic 2016 sau khi vượt qua vòng loại khu vực châu Á tại Kazakhstan. 

Đô vật Nguyễn Thị Lụa (trái) từng hai lần giành vé dự Olympic.

Trong số này, chiến thắng trước nhà vô địch ASIAD 2010 người CHDCND Triều Tiên So SymHyang ở bán kết với tỉ số 3-2 của đô vật Vũ Thị Hằng gây dấu ấn đặc biệt. Việc có 2 đô vật giành suất trực tiếp góp mặt ở một kỳ Olympic là thành tích tốt nhất của vật Việt Nam trong lịch sử tham dự Olympic.

Tuy nhiên, tại đấu trường Olympic, các đô vật Việt Nam chưa tạo được dấu ấn đáng kể. Vũ Thị Hằng còn không thể thi đấu tại Olympic 2016 vì chấn thương. Còn Nguyễn Thị Lụa không thể giành được một trận thắng tại đấu trường này khi đều gặp phải những đối thủ quá mạnh ngay tại vòng đấu đầu tiên. 

Đến lúc này, cả Vũ Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đều đã nghỉ thi đấu, trong đó Vũ Thị Lụa đang là huấn luyện viên ở đội trẻ Hà Nội. Nếu tiếp tục thi đấu, cả hai cũng khó tranh chấp được với các đối thủ ở châu lục dù sở hữu lối ra đòn vào diện hiện đại và nhanh bậc nhất trong làng vật Việt Nam.

Ngay từ sau Olympic 2016, vật Việt Nam đã tính toán đường đi nước bước với Olympic 2020. Trong đó, lực lượng nữ được xác định là nhân tố chủ chốt để thực hiện mục tiêu giành vé tham dự. Đấy là điều hiển nhiên khi trình độ một số đô vật nữ vẫn tiếp cận được trình độ châu lục. 

Việc này càng thể hiện rõ trong danh sách vận động viên Việt Nam được đầu tư trọng điểm trong năm 2019. Trong danh sách 59 vận động viên này, cả 3 đô vật góp mặt đều là nữ gồm Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.

Trong khi ấy, các đô vật nam không góp mặt do đã bị bỏ lại khá xa trên đấu trường châu lục. Khả năng giành vé dự Olympic của các đô vật nam thực sự khó khả thi. Thế nên, chỉ có thể đầu tư cho các đô vật nam cho mục tiêu giành huy chương ở các giải đấu khu vực Đông Nam Á.

Đầu tư từ đâu?

Dẫu đã xác định vật nữ là chủ công trong hành trình giành vé tham dự Olympic 2020, song vật Việt Nam lại đang đối mặt vô số khó khăn. Dễ thấy nhất là những thay đổi từ Liên đoàn vật thế giới về hạng cân, cách tổ chức vòng loại. Theo đó, hạng 48kg nữ, một trong những hạng cân mạnh nhất của vật nữ Việt Nam, từng có vận động viên góp mặt ở cả Olympic 2012 và 2016, đã không còn trong chương trình thi đấu các giải quốc tế. 

Riêng tại Olympic 2020 chỉ có 6 hạng cân nữ là 50kg, 53kg, 57kg, 62kg, 68kg, 76kg. Điều này buộc vật Việt Nam phải thích nghi. Những hạng như 50kg, 53kg, 57kg được đánh giá là phù hợp hơn cả với lực lượng hiện tại của vật nữ Việt Nam. Nhưng để giành một tấm vé trong 3 hạng cân này lại là vấn đề nan giải như chính huấn luyện viên đội tuyển vật nữ quốc gia Nguyễn Huy Hà từng có lần đề cập. 

Theo đó, thể thức thi đấu tại các giải quốc tế đã thay đổi, trong đó việc xếp thi đấu không còn trông vào bốc thăm – vốn mang nhiều yếu tố may rủi, trong đó không ít đô vật Việt Nam được hưởng lợi từ việc này. Thay vào đó, Ban Tổ chức căn cứ vào thứ hạng thế giới để xếp nhánh thi đấu. 

Những đô vật có thứ hạng hàng đầu sẽ vào các vị trí thuận lợi để không phải sớm gặp các đô vật khác có thứ hạng gần như tương đồng hoặc hơn một chút. Mà để có thứ hạng này, các đô vật phải tích cực tham dự các giải quốc tế nhằm tích điểm, nâng thứ hạng.

Trong khi đó, ở các hạng cân của Olympic 2020, các đô vật nữ Việt Nam đều không trong nhóm 20 đô vật hàng đầu thế giới. Phần lớn nguyên nhân đến từ việc các đô vật nữ Việt Nam ít cơ hội thi đấu quốc tế, nơi hệ thống giải quốc tế khá phong phú với hàng chục giải đấu tích điểm mỗi năm. 

Như năm 2019, do kinh phí thi đấu quốc tế của Tổng cục Thể dục Thể thao có hạn nên các đô vật Việt Nam chỉ được dự vỏn vẹn 2 giải quốc tế là giải châu Á vào cuối tháng 4 tới ở Trung Quốc và giải thế giới – 2019 vào tháng 9 tới ở Kazakhstan. Trong số này, giải thế giới – 2019 cũng là giải đấu xét vé tham dự Olympic 2020. 

Đương nhiên, ít dự giải quốc tế sẽ hạn chế đáng kể cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cũng như giành vé dự Olympic 2020 của vật nữ Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là bài toán không dễ giải bên cạnh việc nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần của chính vận động viên như cựu đô vật Nguyễn Thị Lụa từng đề cập.

Vấn đề là những nhà quản lý, chuyên môn sẽ giải bài toán thiếu kinh phí dự giải quốc tế bằng cách nào. Phương án đối ứng giữa Tổng cục Thể dục Thể thao với các địa phương chủ quản những đô vật được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu giành vé dự Olympic 2020 đã được tính đến. 

Ngoài ra, việc xã hội hóa để có kinh phí cho đô vật trọng điểm dự giải quốc tế cũng phải được đặt ra. Quan trọng là ai sẽ làm việc này, mức độ quyết liệt trong việc này đến đâu? Còn như hiện tại, tấm vé chính thức thứ tư tham dự Olympic của vật Việt Nam đang khá xa vời.

Vòng loại châu lục là “sáng cửa” nhất

Vật Việt Nam sẽ tham dự tối đa các vòng loại Olympic 2020 là giải vô địch thế giới năm 2019 ở Kazakhstan, vòng loại châu Á ở Trung Quốc (3-2020) và vòng loại thế giới (cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020). 

Trong số này, vòng loại châu Á - 2020 vẫn được đánh giá là mang đến nhiều cơ hội hơn cả cho các đô vật Việt Nam khi có 2 vé dành cho 2 đô vật đứng đầu mỗi hạng cân. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.