Thể thao Việt Nam nhiều nguy cơ không vào Top 3 SEA Games 29:

Gạt nỗi ám ảnh, hướng đến mục tiêu xa

Thứ Hai, 31/07/2017, 08:29
Lần đầu tiên sau nhiều kỳ tham dự SEA Games, Đoàn thể thao Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ không vào nhóm 3 nước dẫn đầu.

SEA Games 29 tới thực sự là thử thách với Đoàn thể thao Việt Nam và có lẽ cũng là lúc thích hợp để gạt nỗi ám ảnh phải vào nhóm 3 nước dẫn đầu SEA Games trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cắt ngang, xén dọc số môn và nội dung thi đấu

Đây là một trong những kỳ SEA Games có nhiều thiệt thòi cho Đoàn thể thao Việt Nam. Nước chủ nhà SEA Games 29 – Malaysia, đã công bố từ lâu về số môn và nội dung thi đấu.

Theo đó, SEA Games 29 có 38 môn với 405 nội dung thi đấu, tương ứng với 405 bộ huy chương. Lấy lý do khách quan nên nước chủ nhà đã không đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 29 một số môn và nội dung từng có mặt tại các kỳ SEA Games trước.

Đáng chú ý, trong số này có nhiều môn và nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam như vật, đua thuyền rowing và canoeing, cử tạ nữ, boxing nữ, các nội dung đồng đội môn đấu kiếm.

Theo ước tính của Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn thì ít nhất thể thao Việt Nam cũng không có cơ hội giành khoảng 20 huy chương vàng tại SEA Games 29 sau quyết định cắt xén số môn và nội dung thi đấu ở trên.

Như lý giải của ông Trần Đức Phấn, nếu môn vật có trong chương trình thi đấu thì Đoàn thể thao Việt Nam cũng có ít nhất 7-8 huy chương vàng; những nội dung đồng đội của môn đấu kiếm được góp mặt sẽ mang lại cho đoàn từ 2 đến 4 huy chương vàng.

Rồi vận động viên đua thuyền rowing và canoeing cũng có thể mang lại từ 7 đến 8 huy chương vàng; cử tạ nữ và boxing nữ, các nội dung đối kháng của wushu cũng có thể mang lại 4 đến 6 huy chương vàng.

Đáng chú ý, hầu hết những môn và nội dung thi đấu trên (trừ những nội dung đối kháng của wushu đã có trong chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD) đều trong chương trình thi đấu của Olympic.

Tuy vậy, sân chơi SEA Games có những khác biệt với nhiều sân chơi khác nên chính người trong cuộc cũng phải làm quen. Đơn giản, với lý do về văn hóa, không có điều kiện cơ sở vật chất… thì nước chủ nhà hoàn toàn có lý do để loại bỏ những môn, nội dung thi đấu vốn là thế mạnh của nhiều đoàn khác.

Đến lúc ấy, người trong cuộc không chấp nhận cũng không được dù nhiều lần hô hào rằng chương trình thi đấu của SEA Games phải có chuẩn mực chung, căn cứ theo chương trình thi đấu của Olympic rồi cộng thêm những môn trong chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao châu Á, môn truyền thống ở Đông Nam Á và của nước chủ nhà.

Thế nhưng, hầu như chưa bao giờ chương trình thi đấu của SEA Games dựa hoàn toàn vào chương trình thi đấu của Olympic, mỗi kỳ mỗi kiểu dựa theo điều kiện của nước chủ nhà.

Đã vậy, hơn 1 tháng trước SEA Games 29, các nhà quản lý thể thao Việt Nam lại chưng hửng khi hay tin nội dung 3.000m nữ vượt chướng ngại vật lại không có trong chương trình thi đấu của SEA Games 29 vì… không đủ số nước tối thiểu (3 nước) đăng ký tham dự.

Đây là nội dung thi đấu thế mạnh, hầu như đã được đặt “vàng” của vận động viên Việt Nam (Nguyễn Thị Oanh và Lò Thị Thanh). Như thế, chưa vào SEA Games 29, thể thao Việt Nam đã mất ngay 1 huy chương vàng với lý do khá “trời ơi”.

Đội tuyển U22 Việt Nam được hy vọng sẽ giúp đoàn Việt Nam không phải đứng ngoài nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games 29. Ảnh: Minh Hoàng .

Top 3 không phải là mục tiêu duy nhất

Theo tính toán của Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn, đoàn Việt Nam phấn đấu giành từ 49 đến 59 huy chương vàng tại SEA Games 29 đựa vào thế mạnh từ những môn như điền kinh, bơi, bắn súng, taekwondo, đấu kiếm, wushu, pencak silat, bóng đá nam, bóng đá nữ....

Con số này được tính toán dựa trên thực lực của vận động viên Việt Nam thời điểm hiện tại cũng như qua nắm bắt thông tin về các đối thủ tại Đông Nam Á. Trong khi đó, để có thể xếp thứ ba toàn đoàn tại SEA Games 29, đoàn Việt Nam phải giành khoảng 65 đến 70 huy chương vàng.

Ngoài Malaysia và Thái Lan hầu như sẽ giành 2 vị trí đầu tiên thì Việt Nam và Indonesia sẽ phải cạnh tranh vị trí thứ ba. Cuộc cạnh tranh này sẽ rất khốc liệt khi thể thao Indonesia vẫn đang chứng tỏ được sự phát triển trong những năm qua.

Cũng may, những nhà quản lý ở Tổng cục Thể dục Thể thao sau khi được cấp trên “bật đèn xanh” đã đặt thêm mục tiêu khác cho Đoàn Việt Nam tại SEA Games 29.

Theo đó, vận động viên Việt Nam cần giành vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games 29 ở nhóm môn có trong Olympic và ASIAD. Thực tế, từ vài năm gần đây, thể thao Việt Nam đã chuyển hướng sang nhiều môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Đây là mục tiêu phù hợp với thể thao Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Cho nên, nếu thể thao Việt Nam không vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương ở SEA Games 29, nhưng lại trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu về số huy chương tại các môn, nội dung thi đấu trong chương trình thi đấu của Olympic thì cũng là điều chấp nhận được.

Không kể, ASIAD 2018 chỉ còn 1 năm là đến ngày khai mạc nên thành tích ở các môn, nội dung Olympic, ASIAD tại SEA Games này càng đáng coi trọng.

Vấn đề là ngay từ bây giờ cần có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để làm rõ những mục tiêu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, qua đó khiến nhiều người không sốc, thất vọng nếu Đoàn thể thao Việt Nam ngoài nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games 29 (cũng chẳng ai mong điều này xảy ra).

Còn nếu đoàn vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu “kép” – thứ 3 toàn đoàn, trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu các môn nội dung Olympic, thì đấy là điều thực sự đáng mừng.

Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 chính thức có Phó trưởng đoàn thứ 2

Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 đã chính thức có Phó trưởng đoàn thứ hai sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố tân Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) là ông Hoàng Quốc Vinh. Trước đó, như thông báo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 sẽ gồm 1 Trưởng đoàn và 2 Phó trưởng đoàn (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I và II của Tổng cục Thể dục Thể thao). Theo ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, với thành phần chỉ có 1 Trưởng đoàn và 2 Phó trưởng đoàn nên công việc của lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 sẽ nhiều hơn so với các kỳ SEA Games trước.

Minh Hà

Minh Nhật
.
.
.