Đi tìm nguyên nhân Hoàng Anh Gia Lai “thay tướng” sau 6 vòng đấu V-League 2019

Thứ Ba, 23/04/2019, 09:07
Khi V-League 2019 chưa đi qua được nửa chặng đường, HAGL đã phải làm công việc bất đắc dĩ là “thay tướng”. HLV Dương Minh Ninh từ chức sau chuỗi kết quả bết bát, nhường chỗ cho GĐKT Lee Tae-hoon. Một lần nữa, HAGL lại loay hoay đi tìm công thức cho sự ổn định, dù đội bóng phố Núi là đơn vị đi đầu cho công tác đào tạo trẻ với rất nhiều tiền của và tâm huyết được đầu tư.


Từ Nguyễn Quốc Tuấn tới Dương Minh Ninh

Vài mùa trước, bầu Đức gây sửng sốt khi bổ nhiệm Nguyễn Quốc Tuấn, một HLV thủ môn cho vị trí thuyền trưởng. Nói là bất ngờ, bởi bóng đá thế giới hiếm khi nào chứng kiến các HLV có xuất phát điểm là một thủ môn. Cho tới thời điểm này của V-League 2019, chỉ còn duy nhất HLV Nguyễn Đức Thắng của SLNA là thủ môn thời còn thi đấu chuyên nghiệp.

Không nằm ngoài quy luật tự nhiên, HAGL của ông Tuấn “mát” chỉ có mùa giải đầu tiên “tạm ổn” trước khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn diện. Từ vòng 18 đến vòng 21 V-League 2017, HAGL thua liền 4 trận, chuỗi thất bại dài nhất trong lịch sử đội bóng này kể từ ngày lên chuyên nghiệp.

Giám đốc kỹ thuật Lee Tae-hoon được bổ nhiệm vào ghế “nóng” ở Pleiku.

Lúc ấy, trợ lý Dương Minh Ninh được chỉ định, giao phó nhiệm vụ trục vớt con tàu đắm. Tuy nhiên, ngoài tính cách gần gũi và gương mặt thân thiện với giới truyền thông, ông Ninh là một thất bại toàn diện khác trong cabin huấn luyện tại Pleiku.

Tính từ lúc chính thức nhận việc (vòng 22 V-League 2017) tới khi nộp đơn từ chức vào hôm qua (hết vòng 6 V-League 2019), di sản duy nhất ông Ninh để lại cho người kế nhiệm là một tập thể gồng mình trụ hạng ngày này qua ngày khác. Trong 544 ngày ngồi ghế nóng, ông Ninh cầm quân ở 42 trận trên mọi mặt trận và chỉ thắng 16 lần, tương đương tỷ lệ thắng 38%.

Mùa 2018, HAGL chỉ chính thức có vé trụ hạng khi mùa giải còn 4 vòng là kết thúc. Họ là đội thủng lưới nhiều nhất giải với 53 bàn thua. Năm nay, sau 6 vòng, HAGL cũng thủng lưới 12 bàn dù là đã bổ sung 3 gương mặt mới ở hàng thủ trong kỳ chuyển nhượng trước mùa là thủ thành Sietsma, bộ đôi trung vệ Kim Bong-jin và Phạm Hoàng Lâm.

Trước sức ép khủng khiếp của dư luận, HLV Dương Minh Ninh không còn lựa chọn nào, buộc phải nhường sân khấu cho GĐKT người Hàn Quốc Lee Tae-hoon. Như vậy, đây là lần thứ 14 HAGL thay HLV trưởng chỉ sau 17 năm hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Ông Lee Tae-hoon cũng là HLV trưởng ngoại quốc thứ 8 trong lịch sử CLB, nhiều hơn bất kể đội bóng nào khác từng thi đấu trong hệ thống giải VĐQG Việt Nam. Không quá khi ví von, Pleiku là lò xay HLV đúng nghĩa.

Đi tìm nguyên nhân

HAGL là đội bóng quốc dân được NHM cả nước yêu mến. Hình ảnh lứa U19 của Công Phượng 4 năm về trước đã sâu trong tâm trí khán giả về lứa cầu thủ chơi bóng đẹp mặt, sáng tạo và trên hết, có lối sống ngoài sân cỏ lành mạnh.

Nhưng bóng đá chuyên nghiệp khác bóng đá trẻ ở chỗ, thước đo của thành công là kết quả và danh hiệu. Bầu Đức hiểu rõ điều này, và ông không ít lần khẳng định tham vọng đưa HAGL vào tốp 5, tốp 3 hay thậm chí là dự án giúp HAGL vô địch V-League vào năm 2021.

Gần 5 năm sau cuộc thay máu, lấy lứa cầu thủ tốt nghiệp lò HAGL-Arsenal JMG làm nòng cốt, môi trường V-League hóa ra khắc nghiệt hơn vạn lần so với suy nghĩ và hình dung của bầu Đức. HAGL chưa bao giờ xếp trên vị trí thứ 10, thậm chí suýt xuống hạng vào năm 2015 khi đứng áp chót BXH.

Phong độ của đội bóng tỷ lệ nghịch với niềm tin mà khán giả gửi gắm. Người ta càng yêu HAGL bao nhiêu, HAGL càng khiến tất cả thất vọng bấy nhiều. “Trảm” ông Ninh là chuyện đặng đừng bắt buộc phải thực hiện, nhưng ai lấy gì đảm bảo rằng bổ nhiệm một HLV khác sẽ giúp mọi thứ ở Gia Lai tốt lên? Bởi hơn thập kỷ qua, chuyện bổ nhiệm – sa thải – tìm người mới đã là câu chuyện nhàm chán lặp đi lặp lại, giống một động tác thủ công hơn là những quyết định mang tính chuyên môn nhằm giải quyết triệt để căn bệnh của HAGL.

Nếu câu chuyện của HAGL không hẳn bắt nguồn từ băng ghế chỉ đạo thì liệu rằng, chất lượng cầu thủ của HAGL mới là lý do khiến HAGL không thể “ngóc đầu” ở V-League? Ngoài Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và Văn Thanh, phần lớn các sản phẩm của HAGL đều đánh mất chính mình, mà điển hình là trường hợp của hậu vệ biên Lê Văn Sơn hay Trần Hữu Đông Triều.

Vấn đề là sự đi xuống của HAGL không diễn ra ở phạm vi 1-2 trường hợp, mà nó nhân rộng và trải dài ở khắp các lứa cầu thủ tốt nghiệp Arsenal JMG, học viện đào tạo bóng đá quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Phải chăng, chính lò JMG mới là căn nguyên của mọi rắc rối HAGL gặp phải bấy lâu nay, khi nó sản sinh và nhân bản hàng loạt những cầu thủ “na ná nhau” cùng tư duy, cùng phong cách chơi bóng được cho là thiếu tính thực tiễn ở đấu trường đỉnh cao.

Tại học viện triệu đô của “bầu” Đức, các học viên chơi bóng không mang giày và cũng không có những trận đấu đối kháng trong những năm đầu tiên ăn tập. Đó là lý do khiến HAGL không dùng quân của lò JMG tham dự các giải từ U13-U17, thay vào đó là đôn cầu thủ trẻ của lớp năng khiếu tỉnh. Những cầu thủ trẻ được nuôi nhốt trong “lồng kính” nên thiếu sức chiến đấu và kinh nghiệm thực tế, vốn cần được tích lũy qua trận mạc thực địa.

Ở đây, cần khẳng định phương pháp “độc nhất vô nhị” này không phải của CLB Arsenal mà đến từ Học viện JMG, đơn vị núp bóng danh tiếng Pháo thủ. JMG thực chất là một cơ sở bóng đá cộng đồng ở Bờ Biển Ngà, được “gắn mác” Arsenal nhờ giới thiệu của anh em nhà Toure.

Giáo án JMG đưa ra nhấn mạnh việc tập luyện bằng chân trần trong những năm phát triển thể trạng sẽ giúp các cầu thủ hình thành cảm giác bóng. Nhưng họ lại bỏ qua yếu tố “địa lý”, đặc thù thể trạng người châu Á khác hẳn người châu Phi. Bởi vậy, trong 21 cơ sở JMG mở ra khắp thế giới trong 9 năm qua, đã có 14 nơi “sập tiệm” vì sau thời gian ngắn, các nhà chuyên môn sớm nhận ra sự hạn chế của JMG.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu thương hiệu HAGL phai mờ dần trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Ngay từ khâu đầu vào, quan điểm huấn luyện của họ đã đi ngược các yếu tố căn cơ để phát triển bóng đá. 

HLV Dương Minh Ninh trở về làm trợ lý

Từ chức song HLV Dương Minh Ninh vẫn ở lại Gia Lai, quay về công việc trợ lý quen thuộc ông từng gắn bó nhiều năm trước đó. Trước khi lên làm HLV trưởng HAGL, ông Ninh từng có 8 năm làm công tác đào tạo trẻ ở Gia Lai và  2 năm làm trợ lý cho ông Nguyễn Quốc Tuấn. Ông Ninh cũng là thành viên của khóa học bằng HLV AFC Pro đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, chứng chỉ huấn luyện cao nhất của LĐBĐ châu Á.

Hà My
.
.
.