Tiến tới "Hội nghị Diên Hồng" trong bóng đá Việt Nam:

Chỉ VFF và ngành Thể thao là chưa đủ!

Thứ Hai, 26/10/2015, 08:09
Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe hỏi hoặc nghe kể về cái gọi là "Hội nghị Diên Hồng" sẽ được Tổng cục TDTT tổ chức vào tháng tới để lấy ý kiến quanh việc thay đổi, cải tổ, phát triển nền bóng đá Việt Nam. Vấn đề đặt ra: Rốt cuộc thì hội nghị này nên bắt đầu từ đâu, và phải giải quyết những vấn đề căn cơ, gốc rễ nào?


Chắc chắn sẽ có những lời gào thét chỉ trích VFF, rồi đòi thay đổi VFF - điều đã diễn ra liên tục trong suốt 7 nhiệm kỳ đã qua. Chắc chắn cũng sẽ có những ý kiến lên án công tác đào tạo trẻ èo uột, thiếu khoa học, tính công nghệ của nhiều địa phương bóng đá, trong đó có cả những địa phương giàu truyền thống. Nhưng xét cho cùng đấy cũng chỉ là những diễn biến bề nổi, và nếu chỉ "đụng" tới cái chỗ rất nổi ấy thì e là "Hội nghị Diên Hồng" rồi cũng chẳng tới đâu. Theo chúng tôi, có 2 vấn đề mang tính bản chất của nền bóng đá cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo, đó là dinh dưỡng cầu thủ và bóng đá học đường.

Vì sao thể lực luôn là điểm yếu cố hữu của cầu thủ Việt Nam? Bên cạnh những "lý do muôn thuở" như yếu tố dòng giống, gen di truyền của cả một dân tộc nói chung hay một dòng họ, một gia đình nói riêng, không thể không bỏ qua yếu tố dinh dưỡng.

Cầu thủ Việt Nam sụp đổ trước cầu thủ Thái Lan. Ảnh: H.M.

Nhìn lại mặt bằng cầu thủ của chúng ta hiện nay và mặt bằng các cầu thủ trẻ ở các lò đào tạo trẻ hiện nay không khó thấy phần lớn đều xuất phát từ nông thôn, trong những gia đình khó khăn. Đơn cử như trường hợp của tài năng trẻ Nguyễn Công Phượng, không ai không biết nhà Phượng nghèo đến nỗi bố mẹ em đã phải bán 2 con lợn, 2 tạ thóc mới đủ tiền đưa con tới "lò" Hoàng Anh Gia Lai ứng thí. Ở những gia đình nghèo khổ, khó khăn như vậy, đừng nói tới những chuyện xa vời như phát triển dinh dưỡng, chỉ cần cả nhà "đủ ăn, đủ mặc" đã là niềm hạnh phúc lớn lao. 

Và chính vì quá thiếu thốn trong cái vấn đề đặc biệt quan trọng này mà sau này, khi dấn thân vào nghề quần đùi áo số, nhiều cầu thủ có xuất thân từ nông thôn đều gặp phải những rào cản lớn trong việc phát triển sức mạnh, sức bền. Phải làm gì để giải quyết vấn đề nan giải này, đấy là câu hỏi quan trọng đầu tiên mà "Hội nghị Diên Hồng" bóng đá Việt Nam phải trả lời bằng được.

Nhìn vào những nền bóng đá phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Đức hay những nền bóng đá phát triển quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, không khó nhận ra một mẫu số chung: bóng đá học đường ở đây cực kỳ phát triển. Chính nền bóng đá học đường đã giúp những nhà tuyển trạch tìm được những con người vừa giỏi đá bóng vừa được trang bị đủ kiến thức và văn hoá để... làm người. Trong khi đó ở Việt Nam, bóng đá học đường không khác gì vùng trắng. Vậy thì Tổng cục TDTT và VFF phải đề ra một kế hoạch hợp tác bền bỉ, hợp lý với Bộ GD&ĐT để khắc phục điều này ra sao, chắc chắn cần được tính toán một cách thấu đáo.

Và như thế, cả hai vấn đề bức thiết trên đây không chỉ là vấn đề riêng của một nền bóng đá - một nền thể thao, mà là vấn đề chung của cả xã hội, cần một sự phối hợp phát triển liên ngành.

Cần lắm những tiếng nói tâm huyết của những bộ ban ngành khác trong nhau trong xã hội ở cái "Hội nghị Diên Hồng bóng đá" sắp diễn ra!

Nhà báo Nguyễn Nguyên  (Báo Pháp Luật TP.HCM): Cứu bóng đá thực sự, hay...?

"Có một điều mà chắc chắn ở Tổng cục TDTT nhìn ra, đó là việc đưa người của Tổng cục cài sâu trong bộ máy LĐBĐ VN nhưng đến nay thì người được cài lại là người làm sai và làm hỏng chiến lược nhiều nhất. Vừa qua cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị Tổng cục TDTT rút người của mình về, không để tồn tại trong bộ máy VFF nữa vì quá mang tiếng nhưng Tổng cục chắc chắn không dám làm điều đấy vì mối quan hệ chằng chịt “dây mơ rễ má” trong đấy. Lần tham dự hội nghị “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn 2030” do Tổng cục TDTT tổ chức, tôi được một cựu Phó Chủ tịch VFF cho xem “tài liệu quan trọng” về “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam” qua hội thảo năm 1998 thì giật mình vì tất cả những gì mọi người đang bàn đều đi ngược với chiến lược trên. Nguy hiểm ở chỗ là cứ tổ chức hội nghị và hội thảo nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện phần kế thừa qua mỗi nhiệm kỳ.

Sau mỗi thất bại bị dư luận nói quá, người ta lại chống chế, lại “đánh bùn sang ao” bằng những hội nghị to tát để che chắn cho cái sai mà lẽ ra chỉ cần nghiêm túc nhìn lại là có thể tìm ra những giải pháp tích cực.

Lần này Tổng cục TDTT lại đứng ra tổ chức cho cái gọi là cứu bóng đá Việt Nam, nhưng không biết thành phần tham dự là những người như thế nào. Liệu Tổng cục có dám mời những người thực tài muốn góp ý cho bóng đá Việt Nam bằng những phát biểu va chạm trong đó vỗ mặt vào chính người của Tổng cục TDTT?". 

Phan Đăng
.
.
.