Chuyện ở hiện trường các vụ án

Thứ Tư, 05/10/2016, 08:03
Trong khoa học hình sự, hiện trường vụ án được xem là "chân dung" vụ án. Có những vụ án, hiện trường thể hiện rõ nét toàn cảnh diễn biến, tình tiết vụ án. Cũng có những vụ án, hiện trường không thể hiện bất cứ điều gì để cơ quan chức năng lần theo đầu mối nguyên nhân, tìm ra động cơ gây án. Loại án này được dân hình sự gọi là "án mờ".

Tuy "mờ" nhưng lực lượng chức năng vẫn có nhiều chiêu thức nghiệp vụ chuyên biệt, để giải mã vụ án.

Và nhiều vụ án được phá nhanh chóng, xuất phát từ hiện trường.

1. Ngày 27-01-2015, người dân cư ngụ gần Khu du lịch làng nổi Tân Lập phát hiện một thi thể nữ bị cháy đen nằm trên bờ kênh vắng nên cấp báo cho công an.

Người hiếu kỳ trông thấy gần hiện trường có một chiếc can nhựa còn nồng mùi xăng nên phán đoán rằng, cô gái đã tự thiêu vì thất tình. Do tử thi bị cháy biến dạng nên không thể xác định được nhân thân nạn nhân.

Trinh sát làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường.

Tuy nhiên, lực lượng khám nghiệm hiện trường nhận thấy trên mặt đất có hằn vết bánh xe gắn máy, tuy rất mờ nhạt. Từ vết bánh xe và một vài yếu tố nghiệp vụ khác, các điều tra viên phán đoán, có ai đó đã chở cô gái đến đây để giết chết chứ không phải cô gái tự tử. Các điều tra viên đã hướng mũi điều tra truy tìm tông tích nhân vật chở cô gái đến cánh rừng tràm hoang vắng rồi sát hại.

Sau 2 tháng lần tìm dấu vết, cuối cùng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tìm ra nhân vật chở cô gái. Đó chính là kẻ sát nhân.

Vết bánh xe không phải là yếu tố duy nhất để cơ quan điều tra phá án. Nhưng nhờ phát hiện ra dấu vết đó, các điều tra viên không bị phân tâm trong việc truy tìm hung thủ.

Nếu người hiếu kỳ dẫm mất dấu vết đó, có thể việc điều tra sẽ bị đình chỉ với kết luận chủ quan: Nạn nhân tự tử. Cái chết oan khuất của cô gái trẻ sẽ oan khuất vĩnh viễn.

Một trường hợp khác xảy ra từ năm 2004 nhưng vẫn còn "rất thời sự" vì tính chất phá án tài tình của lực lượng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre.

Nửa đêm 24-5-2004 tại ấp Tiên Đông Thượng, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người dân bàng hoàng khi phát hiện một ngọn lửa bùng phát dữ dội ở quán giải khát của chị V. Cả xóm xúm lại dập lửa để rồi phát hiện chị V và một người đàn ông chết cháy rất thương tâm. Ai cũng nghĩ, chị V và người tình trẻ tự thiêu vì gia đình ngăn cản cuộc tình của họ. Không có biểu hiện nào cho thấy, vụ cháy liên quan đến người thứ ba.

Tuy nhiên, khi cơ quan cảnh sát điều tra khám nghiệm hiện trường đã phát hiện có một dải dấu chân lạ in trên nền đất kéo dài từ vị trí bùng phát ngọn lửa đến bờ rào sau nhà của nạn nhân.

Sau khi các trinh sát hình sự thu nhận thông tin từ nhiều nhân chứng, cơ quan cảnh sát điều tra nhận thấy không có ai trong số những người tham gia dập lửa đi về phía hàng rào sau nhà nạn nhân. Từ yếu tố đó, cơ quan cảnh sát điều tra phán đoán, vụ cháy không phải xuất phát từ nguyên nhân nạn nhân tự tử. Lực lượng Công an quyết định khởi tố vụ án.

Lực lượng phá án đã tập trung điều tra làm rõ dấu chân đó của ai.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án đã xác định, đó là dấu chân của một người đàn ông tên Đoàn Văn Tư, sinh năm 1962, ngụ xã Phước Lễ, huyện Châu Thành. Kể từ khi vụ án xảy ra, đối tượng này không ra khỏi nhà và luôn thể hiện tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Các trinh sát đã bí mật đo được dấu chân của Tư và nhận thấy rất trùng khớp với dấu chân ở hiện trường.

Tư là người đàn ông đã có gia đình nhưng vẫn lén lút qua lại với nạn nhân V..  Khi biết chuyện, vợ Tư đã gặp nạn nhân V. cảnh cáo.

Để trả thù tình, nạn nhân V. yêu ngay 1 người đàn ông khác nhỏ tuổi hơn. Trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Tư đã từng gặp người tình trẻ của chị V. gây sự. Từ những nguồn tin trinh sát đó, các điều tra đã quyết định mời Tư về trụ sở để làm rõ các nghi vấn. Biết không thể chối cãi, Tư thú nhận hành vi dùng xăng đốt người tình và tình địch.

Nhớ lại hành trình phá vụ án đó, Đại tá Trịnh Văn Bản - Trưởng phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự, Công an Bến Tre - là người trực tiếp khám nghiệm hiện trường cho biết: "Có những hiện trường vụ án thể hiện rất rõ mọi hành vi gây án của hung thủ. Vì vậy, khi một vụ án xảy ra, công tác đầu tiên cần triển khai là khám nghiệm hiện trường. Nguy hiểm nhất là hiện trường bị xáo trộn do người hiếu kỳ vô tình tạo ra hoặc do chính hung thủ trở lại nơi gây án quan sát công tác khám nghiệm hiện trường".

Một trinh sát hình sự thuộc Công an Tây Ninh chia sẻ: "Công tác trinh sát hiện trường trọng án cũng là yếu tố quan trọng để phá án. Do yếu tố nghiệp vụ, chúng tôi phải mặc thường phục để bảo vệ hiện trường. Bất cứ ai xâm nhập hiện trường bằng thái độ bất thường, chúng tôi phải lưu ý ngay. Vì vậy, chúng tôi phải vừa thực thi nhiệm vụ vừa phải né tránh ống kính của các phóng viên. Cảm giác làm việc rất căng thẳng".

2. Suốt 40 năm khoác áo hình sự, kỷ niệm khó quên của Đại tá Đoàn Xuân Trường - nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng là phá vụ án được gọi là "kỳ án Mỹ Tú". Gọi là "kỳ án" vì ông đã tìm ra hung thủ giết người, đồng thời giải oan cho một nghi phạm.

Hiện trường một vụ án (ảnh cắt từ clip).

Một ngày đầu năm 2000, người dân ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng phát hiện chị A. - một phụ nữ sống đơn thân - nằm chết lõa thể dưới một con mương cạn. Có dấu hiệu cho thấy nạn nhân bị hiếp dâm.

Người dân hiếu kỳ đã dẫm nát hiện trường trước khi lực lượng Công an xuất hiện. Lực lượng phá án không tìm được bất kỳ dấu vết nào của hung thủ. Trong quá trình điều tra, Cảnh sát Hình sự phát hiện đêm trước, ông Đ (đã có vợ con) đã bí mật lẻn vào nhà của chị A. Mẫu tinh dịch trên thi thể chị A trùng khớp với mẫu tinh dịch của ông Đ.. Ông Đ. trở thành nghi can số 1 của vụ án và bị tạm giữ để điều tra.

Tuy nhiên, ông Đ. luôn kêu oan. Sau nhiều ngày bị điều tra, ông Đ mới nói thật là, ông và chị A. có quan hệ tình cảm. Thỉnh thoảng, ông lén vợ con, bí mật đến nhà chị A để ân ái. Đêm đó, ông có đến nhà chị A và ra về lúc nửa đêm. Ông khẳng định mình không phải hung thủ giết chị A..

Việc điều tra phá án vẫn còn dang dở thì cơ quan Cảnh sát Hình sự có thay đổi nhân sự theo kế hoạch luân chuyển cán bộ. Người chỉ huy thụ lý vụ án được điều chuyển đi nhận công tác khác, Đại tá Đoàn Xuân Trường được giao nhiệm vụ tiếp tục điều tra.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 1 thời gian ngắn, Đại tá Trường đã tìm ra chính xác hung thủ tên là C.V.R đồng thời giải oan cho nghi phạm Đ..

C.V.R. từng là em rể của chị A. Do tranh chấp đất đai nên C.V.R. ly dị vợ và sinh lòng thù hận với chị A.

C.V.R. khai nhận rằng, đêm đó, y đã ngồi bên ngoài vách nhà rình xem ông Đ và chị A ân ái. Sau khi ông Đ vừa rời đi, C.V.R đã đột nhập vào nhà, bất ngờ chèn cổ chị A đến chết rồi cưỡng hiếp. Sau khi thỏa mãn thú tính, C.V.R. kéo thi thể chị A ra bờ mương. C.V.R còn đốt 3 nén nhang, cúng 3 vắt cơm bên cạnh thi thể nạn nhân.

Nếu người hiếu kỳ không làm mất dấu 3 nén nhang và 3 vắt cơm bên cạnh thi thể nạn nhân, có thể các điều tra viên đã đưa C.V.R. vào diện nghi phạm ngay từ khi bắt tay vào phá án. Bởi vì, theo thông tục địa phương, khi đối thủ tranh chấp miếng ăn chết, người thù nghịch luôn thực hiện "nghi lễ" đó.

3. Suốt cả tuần nay, cư dân mạng lao vào một cuộc "lên đồng tập thể" để tranh luận đúng, sai về chuyện một phóng viên bị Cảnh sát Hình sự hành hung. Nguyên nhân cuộc tranh cãi này xuất phát từ một nghi án tài xế taxi tự tử tại cầu Nhật Tân (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Ở giây thứ 17 của clip cho thấy người được cho là phóng viên đã thúc cùi chỏ vào người viên cảnh sát hình sự.

Theo đó thì, sáng 23-09-2016, người dân phát hiện một chiếc xe taxi đậu lâu bất thường trên cầu Nhật Tân. Phía dưới dạ cầu có thi thể một người đàn ông, nghi là tài xế của chiếc taxi.

Nhận được tin, Công an huyện Đông Anh cử lực lượng đến khám nghiệm hiện trường. Trong lúc lực lượng chức năng đang tiến hành công tác xác định nguyên nhân, động cơ vụ việc thì lực lượng phóng viên một số báo xuất hiện tác nghiệp thu nhận tin tức. Bất ngờ xảy ra xô xát giữa lực lượng Cảnh sát Hình sự huyện Đông Anh và phóng viên.

Bất chấp sự ngăn cản của Cảnh sát hình sự, Công an, người được cho là phóng viên liên tục xâm nhập hiện trường.

Một phóng viên đã thu hình được cảnh một cảnh sát Hình sự mặc thường phục cố đẩy 1 thanh niên mặc áo đen, tay cầm máy quay phim mini ra khỏi hiện trường. Ở giây thứ 17 của clip cho thấy người thanh niên mặc áo đen xoay người dùng cùi chỏ giật vào người anh Cảnh sát Hình sự rồi tiếp tục bước về phía hiện trường bất chấp những động tác ngăn cản quyết liệt của anh Cảnh sát Hình sự.

Sau khi huých vai qua lại với người thanh niên mặc áo đen, viên Cảnh sát Hình sự trở lại hiện trường. Người thanh niên mặc áo đen lại tiếp tục xâm nhập vào khu vực hiện trường thì một người mặc sắc phục Công an xã bước đến ngăn cản. Người thanh niên áo đen vẫn bất chấp sự ngăn cản, cứ nhăm nhăm tiến về khu vực lực lượng chức năng đang làm việc.

Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi viên Cảnh sát Hình sự không kiềm chế được đã vung chân, tay đánh người thanh niên mặc áo đen. Sau này mới biết đó là phóng viên (chưa có thẻ nhà báo).

Từ vụ việc đó, cư dân mạng chia thành 2 đội đấu khẩu, mạt sát nhau bằng nhiều ngôn ngữ thậm tệ. Phe bênh vực báo chí thì yêu cầu truy tố viên Cảnh sát Hình sự. Phe bênh vực Công an thì cho rằng cánh phóng viên cố ý khiêu khích cảnh sát để quay clip.

Dù như thế nào đi nữa, việc động tay chân thay lời nói của viên Cảnh sát Hình sự là sai. Xét ở góc độ nghề phá án, cánh phóng viên đã hành xử quá đáng.

Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Nếu các anh Cảnh sát Hình sự bình tĩnh, có thể xử lý hành vi của anh phóng viên mặc áo đen bằng cách, yêu cầu lực lượng Cảnh sát đang mặc sắc phục bảo vệ hiện trường lập biên bản, mời anh áo đen về trụ sở công an để làm rõ hành vi xâm phạm hiện trường vụ án. Bởi vì, dù cố ý hay vô tình, anh áo đen tiến vào khu vực hiện trường đã làm sai lệch những dấu hiệu cơ bản của vụ án. Ở bất cứ nơi đâu, nhất là hiện trường vụ án, có dây giăng hay không có dây giăng, người dân cần tuân thủ khẩu lệnh của nhân viên công lực. Tiếc là anh Cảnh sát Hình sự không kiềm chế được".

Suy về nghiệp vụ báo chí thì, phóng viên có nhiệm vụ thu thập tin tức nhanh nhất, chính xác nhất để cung cấp cho dư luận. Nhưng nhanh chóng tiếp cận thông tin bằng cách chống lại hiệu lệnh của cảnh sát, xâm nhập hiện trường gây ảnh hưởng đến công tác điều tra là việc không nên làm.

Nông Huyền Sơn
.
.