Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

Thứ Ba, 05/04/2016, 08:34
Đưa môn học âm nhạc dân tộc vào dạy trong các trường phổ thông là cách làm đúng, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học” từ tiểu học đến trung học phổ thông. Đây là tin vui cho các trường khi triển khai giảng dạy âm nhạc cho học sinh.


Âm nhạc dân tộc hướng học sinh về cội nguồn

Dù chưa có một mô hình cụ thể cho hoạt động phổ biến âm nhạc dân tộc vào trường học, nhưng trong những năm qua, nhiều trường ở TP Hồ Chí Minh đã tổ chức những buổi hội diễn văn nghệ, thi múa tập thể, múa dân vũ… nhằm hướng các em về cội nguồn, phát huy những cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Nhiều trường đã có những cách làm rất sáng tạo giúp học sinh hiểu biết hơn về nhạc cụ, làn điệu âm nhạc dân tộc.

Quận 12 là một trong những quận có nhiều hoạt động sáng tạo trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. 

Trước đây, để giới thiệu âm nhạc dân tộc cho học sinh đa số các trường ở quận mời nghệ sĩ, nghệ nhân đến biểu diễn. Những hoạt động này được học sinh rất yêu thích nhưng do điều kiện tổ chức chưa nhiều nên học sinh không nhớ lâu và chưa phân biệt các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca. 

Vì vậy, Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường tích hợp giới thiệu âm nhạc dân tộc trong các tiết sinh hoạt dưới cờ. Chẳng hạn, trong một tháng trường chọn giới thiệu về đàn tranh và cây sáo trúc thì trong tuần 1 của tháng, nhà trường dành 5 - 10 phút để giới thiệu hình ảnh của 2 loại nhạc cụ này. Tuần 2, dưới hình thức đố vui, học sinh sẽ miêu tả đơn giản về cấu tạo của 2 nhạc cụ, sau đó học sinh sẽ được nghe âm thanh của 2 loại nhạc cụ này để cảm nhận sự độc đáo của nhạc cụ. Tuần 3, nhà trường tổ chức thi nghe âm thanh đoán tên nhạc cụ… Thông qua những hoạt động này, học sinh không còn xa lạ với các nhạc cụ dân tộc.

Em Hoàng Tuấn Vi, học lớp 5/7 Trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 12 chia sẻ: "Em rất thích những buổi giới thiệu về các nhạc cụ, làn điệu âm nhạc dân tộc vào ngày chào cờ. Em và các bạn được làm quen với nhiều nhạc cụ mà trước đây không hề biết, qua đó phân biệt được cấu tạo và âm thanh của nhiều nhạc cụ như đàn tranh, đàn đá, cũng như thuộc nhiều làn điệu dân ca dân tộc. Em hy vọng sẽ được tham gia nhiều buổi sinh hoạt thú vị hơn nữa về âm nhạc dân tộc".

Không chỉ vậy, đối với khối phổ thông không có tiết âm nhạc trong chương trình chính khóa nên nhiều trường đã lồng ghép giới thiệu âm nhạc dân tộc trong các tiết học văn, địa lý… 

“Chúng tôi đã lồng ghép nội dung âm nhạc dân tộc trong phần văn học dân gian của khối 10. Trong những tiết học về Văn học dân gian, chúng tôi cho các em xem, nghe những làn điệu dân ca, hát quan họ, chèo, tuồng, các vở diễn sân khấu hóa các thể loại văn học dân gian. Không chỉ xem, các em còn trực tiếp hóa thân vào tác phẩm, diễn tiểu phẩm tại lớp và rất hứng thú với các tiết học như thế này. Nội dung văn học cũng như âm nhạc cần truyền tải cho các em cũng trở nên cuốn hút hơn”, cô Vũ Thị Thu Trang, giáo viên Trường Trung học phổ thông Bình Phú, quận 6 cho biết.

Âm nhạc dân tộc giúp học sinh thêm yêu quê hương đất nước. Ảnh: CTV

Giúp học sinh hoàn thiện cả thể chất lẫn tâm hồn

TP Hồ Chí Minh đưa ra đề án Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học giúp việc giáo dục âm nhạc dân tộc mang tính quy củ và nghiêm túc. Tuy nhiên, theo các giáo viên, mục tiêu đề án quá chú trọng đến học và thực hành nhạc cụ dân tộc, trong khi đó âm nhạc dân tộc không chỉ là các nhạc cụ và giáo dục âm nhạc dân tộc chỉ nên định hướng về thẩm mỹ âm nhạc dân tộc cho học sinh.

Cô Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, quận 8, cho rằng: "Nếu nhìn từ góc độ giảng dạy âm nhạc dân tộc trong trường học, thành phố nên bắt đầu giáo dục từ mầm non. Ở giai đoạn 3 - 5 tuổi, các em có thể nghe và hát theo những bài dân ca ngắn. Bên cạnh đó, đề án đang đi sâu vào việc sử dụng nhạc cụ dân tộc nhưng không phải học sinh nào cũng có năng khiếu chơi thành thạo các loại nhạc cụ. 

Mục đích giáo dục âm nhạc dân tộc không phải đào tạo ra các nhạc sĩ, nghệ sĩ, mà chỉ nên chú trọng đến giáo dục thẩm mỹ âm nhạc dân tộc cho các em. Chúng ta dạy kiến thức giúp các em cảm thụ được âm nhạc và phân biệt cách chơi các loại nhạc cụ cũng như nhận biết được đâu là cải lương, hát bội, hát then… 

Các em chỉ có thể yêu mến và cảm nhận được khi đã hiểu rõ về âm nhạc dân tộc. Việc định hướng này sẽ giúp các em thật sự có năng khiếu phát hiện khả năng của mình và có thể phát triển năng khiếu bằng cách theo học ở các trung tâm, các trường có dạy âm nhạc dân tộc".

“Không phải trường nào cũng đủ điều kiện kinh phí mua sắm các loại nhạc cụ dân tộc đủ để phục vụ nhu cầu giảng dạy. Trong khi đó, học sinh tiểu học và trung học rất thích học hát, múa các bài dân ca. Vì vậy, trong đề án cần đưa vào dạy và học dân ca nhiều hơn, bên cạnh việc tổ chức các buổi sinh hoạt giới thiệu các loại nhạc cụ. Học hát dân ca gần gũi với thị hiếu của học sinh hơn, thu hút được nhiều học sinh tham gia hơn và giảm bớt được gánh nặng chi phí thực hiện, nhất là đối với các trường vùng ngoại ô thành phố”, cô Phạm Thùy Liên, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 chia sẻ thêm.

Đề án Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được bắt đầu từ năm 2016 và kéo dài 5 năm, bao gồm ba giai đoạn với những mục tiêu khác nhau. Giai đoạn đầu, giúp học sinh tìm hiểu và hình thành câu lạc bộ. Giai đoạn 2, giúp học sinh nghe, nhận biết, thưởng thức và có cảm xúc về âm nhạc dân tộc. Giai đoạn 3, hướng tới thực hành biểu diễn âm nhạc dân tộc với nhiều hình thức trong câu lạc bộ của các trường và liên hoan các cấp.

Để đề án này hoạt động có hiệu quả phụ thuộc vào đội ngũ giảng dạy. Thế nhưng trong số 454 giáo viên âm nhạc của TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có 16 giáo viên biết sử dụng nhạc cụ dân tộc. Do vậy, sắp tới thành phố sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên dạy nhạc ở các trường học về bộ môn âm nhạc dân tộc nhằm hướng tới giáo viên nào cũng am hiểu về âm nhạc dân tộc và có khả năng chơi được một loại nhạc cụ dân tộc.

Lan Phương
.
.
.