Đào tạo vẫn “lệch pha”, bế tắc trong phân luồng, hướng nghiệp

Chủ Nhật, 08/11/2015, 09:08
Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Sở LĐ,TB-XH và Ban VH-XH-HĐND TP Hồ Chí Minh mới đây, các đại biểu thừa nhận, công tác phân luồng, hướng nghiệp hiện nay vẫn chưa hiệu quả, đào tạo cho hệ thống ĐH-CĐ quá nhiều, còn hệ thống các trường nghề thì chưa hợp lý, cơ sở vật chất đầu tư cho các trường vẫn chưa tương xứng.

Theo Sở LĐ,TB-XH TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở các doanh nghiệp đã tăng lên 72,4% trong năm 2015, tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS vào các trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được mục tiêu 70% học sinh học tiếp bậc THPT, 30% vào học các trường nghề, hệ giáo dục chuyên nghiệp.
Một buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực TP Hồ Chí Minh cho rằng, với việc đào tạo mất cân đối, quảng bá tuyển sinh ĐH quá mạnh so với đào tạo nghề, số có việc làm không bao nhiêu, tỉ lệ người thất nghiệp cao là điều khó tránh.

Thực tế đầu tư trong trường nghề tại TP hiện tràn lan, manh mún trong khi kinh phí của thành phố eo hẹp, bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban VH-XH - HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề vì quản lý chồng chéo, cơ sở vật chất nơi thừa, nơi thiếu, không phát huy hết năng lực, công suất đào tạo. Không nhất thiết quận, huyện nào cũng phải có một trường nghề, trung tâm dạy nghề. Song song đó, nhiều doanh nghiệp cần thay đổi nhanh chóng quan niệm đứng ngoài cuộc, cần hỗ trợ các trường trong việc đưa học sinh đến thực tập nghề để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đào tạo dạy nghề nên có trọng tâm, trọng điểm, các cơ sở dạy nghề có uy tín, thương hiệu cần được tiếp sức về vốn, mặt bằng để đào tạo ra sản phẩm nhân lực nghề có chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh và hội nhập cộng đồng ASEAN.

Huyền Nga
.
.
.