Làm gì để hướng nghiệp hiệu quả?

Thứ Hai, 08/12/2014, 09:55
“Em mong muốn mình sẽ trở thành người như thế nào?” là câu hỏi từng được rất nhiều thầy giáo, cô giáo, các chuyên gia giáo dục, nghề nghiệp đặt ra đối với học sinh trong mỗi kỳ tư vấn tuyển sinh vào đại học và các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Rất nhiều câu trả lời, trong đó là những giám đốc, bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo,… mà rất ít câu trả lời mong muốn được là một người thợ giỏi.

Đành rằng một dân tộc hùng mạnh thì rất cần những con người giàu khát khao như thế, nhưng khát khao thôi chưa đủ, bởi phải có quá trình và phải làm gì để chuẩn bị cho những khát khao ấy thành hiện thực. Khâu chuẩn bị ấy không chỉ là sự rèn luyện, là sự phấn đấu không ngừng, tận dụng thời gian không ngừng từ mỗi cấp học mà còn là việc khám phá, đánh thức các tố chất tiềm tàng trong mỗi người. Việc này lại cần phải luôn thường trực trong định hướng giáo dục của mỗi thầy giáo, cô giáo đứng lớp.

Nhìn lại kết quả Điều tra Lao động Việc làm 2013, gần một nửa (47%) số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24. Nhóm này có xu hướng thất nghiệp cao hơn gấp gần 5 lần so với nhóm người từ 25 tuổi trở lên. Thêm vào đó, một nghiên cứu mới Khảo sát thời kỳ chuyển đổi từ trường học đến việc làm năm 2013, cũng cho thấy chất lượng việc làm là vấn đề còn quan trọng hơn nữa đối với thanh niên. Đa số những người trẻ tuổi có việc làm không hề được hưởng quyền lợi lao động đầy đủ. Cụ thể, 59% không được trả lương cho thời gian nghỉ ốm, 54% không được nghỉ phép hàng năm, và 56% không được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hơn nữa, chỉ 55% số lao động trẻ có ký hợp đồng lao động.

Điều đó cho thấy nếu thực sự được quan tâm đúng mức, có ý thức về nghề nghiệp sớm cũng như những kiến thức về quyền lợi và nghĩa vụ khi trở thành lao động tham gia vào thị trường lao động sẽ hạn chế được rất lớn tình trạng bị vi phạm, bị tổn thương của lao động trẻ. Chính vì thế việc Tổ chức Lao động quốc tế ILO phối hợp với các chuyên gia giáo dục và đào tạo Việt Nam xây dựng bộ tài liệu với chủ đề “Mô hình giáo dục hướng nghiệp mới cho nhà trường phổ thông Việt Nam”, được thiết kế riêng cho Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hướng nghiệp, được Bộ GD&ĐT thẩm định vào tháng 8/2014, để thí điểm mở rộng, được xem là một trong những chuyển biến tích cực trong công tác hướng nghiệp. Bộ tài liệu bao gồm sách bài tập học sinh và sách hướng dẫn giáo viên, bộ sách tra cứu thông tin nghề nghiệp và bộ đồ dùng dạy học, được kỳ vọng giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai, triển vọng việc làm, ưu nhược điểm của bản thân, từ đó đưa ra quyết định với đầy đủ thông tin. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, dù mới được triển khai thử nghiệm trong thời gian ngắn tại ba tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, nhưng những kết quả ban đầu thu được từ khi áp dụng tài liệu này đã bước đầu tạo ra được những thay đổi quan trọng trong nhận thức và suy nghĩ của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.

“Hướng nghiệp hiệu quả sẽ tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa học sinh, cha mẹ, nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó thanh niên có thể tự đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai của chính mình”, chia sẻ của ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam chính là một gợi ý để giáo dục Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp.

Thu Uyên
.
.
.