Lãng phí từ giáo dục hướng nghiệp

Thứ Sáu, 20/04/2012, 14:28
Một thực tế đáng báo động của thị trường lao động Việt Nam vẫn diễn ra trong nhiều năm nay là tỷ lệ lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật vẫn ở mức cao. Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, trong tổng số trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có 7,8 triệu người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (14,7%).

Quyết định về “cấm” thi đại học đối với các học sinh qua kỳ thi thử khối A dưới 10 điểm, khối D dưới 11 điểm của một trường THPT ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc được công bố tuần qua đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều học sinh, phụ huynh và cả dư luận. Vì sao suốt nhiều năm qua, mỗi năm có đến gần 2 triệu lượt thí sinh “lao” vào kỳ thi ĐH, CĐ, trong khi chỉ tiêu chỉ trên 500.000, tức là trên 1 triệu thí sinh thi trượt, gây ra một sự lãng phí lớn.

Cùng với đó là sự thiếu hụt nhân lực chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (CMKT) vẫn ở mức cao, đáng báo động. Phân luồng hay nói cách khác là định hướng, giáo dục hướng nghiệp tạo niềm yêu thích nghề nghiệp trong học sinh phổ thông không đạt hiệu quả, phải chăng chúng ta đã thất bại trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục. 

Hệ thống trường dạy nghề thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với tạo việc làm, thu nhập nên chưa thu hút được người học.

Một thực tế đáng báo động của thị trường lao động Việt Nam vẫn diễn ra trong nhiều năm nay là tỷ lệ lao động chưa được đào tạo CMKT vẫn ở mức cao. Theo điều tra của Bộ KH&ĐT, trong tổng số trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có 7,8 triệu người được đào tạo CMKT (14,7%).

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều năm qua chúng ta đã thất bại, chưa đạt được mục tiêu trong các chiến lược phát triển giáo dục. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài tâm lý của các  bậc phụ huynh muốn cho con học cao hơn để có cơ hội cải thiện điều kiện sống, thu nhập thì còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của lãnh đạo từng địa phương.

Nguyên nhân căn bản nhất được ông Vinh đưa ra là thị trường lao động của Việt Nam còn thiếu minh bạch. Thực tế đang diễn ra là các doanh nghiệp hiện vẫn chủ yếu tuyển lao động phổ thông. Ngay cả khi Chính phủ đã có Nghị định miễn giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề cùng cơ chế liên thông nhưng chất lượng đào tạo nghề chưa cao, đào tạo nghề theo kiểu “mậu dịch quốc doanh”, chưa gắn kết với doanh nghiệp cùng với việc làm không nhiều, thu nhập thấp đang là cản trở lớn cho việc hướng nghiệp.

Theo ông Vinh, Vĩnh Phúc đang là tỉnh mở ra việc phân luồng có chủ trương, tính toán theo nhu cầu nhân lực của địa phương là hoàn toàn có cơ sở và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên còn phải có cách làm bài bản hơn, có được cơ sở dữ liệu thống kê được tỷ lệ học sinh học nghề, học ĐH, CĐ có việc làm, thu nhập… để có sức thuyết phục, tạo sự đồng thuận.

Trong chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã đưa ra mục tiêu cụ thể là bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo trong toàn hệ thống. Phát triển các chương trình giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp - ứng dụng.

Đến năm 2020, có 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% tốt nghiệp THPT học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH khoảng 70%. Mục tiêu thì đã rõ ràng nhưng những giải pháp để đạt được nó vẫn chưa còn rất mông lung khi mà việc phân luồng chỉ có thể giải quyết hiệu quả khi nền kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm và thị trường lao động minh bạch

Thu Uyên
.
.
.