Xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Đã đến thời thí sinh "nắm đằng chuôi"

Chủ Nhật, 14/08/2016, 13:38
Nhiều năm trước đây, cứ đến kì thi ĐH-CĐ là cả nước, nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể, nhất là những gia đình có con tham dự kì thi đều “rùng rùng” chuyển động. Tất cả mọi hoạt động đều dồn về cho một kì thi đầy căng thẳng. Năm gần đây, Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng đổi mới “hai trong một”, đã giảm thiểu được áp lực lên toàn bộ XH, nhưng đến phút chót, cách tuyển sinh theo kiểu “rút ra, nộp vào” đã gây nên hỗn loạn.

Bất ngờ lớn nhất của năm 2016, vào phút 89 của đợt xét tuyển, cả phía tuyển sinh và PH, thí sinh đều vui vì hồ sơ online hay trực tiếp đều nhẹ nhàng. Nỗi lo ..."vỡ trận" đã không xảy ra.

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT đợt 1 tại ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM.

Phút 89 hồi hộp: Cả xã hội thở phào!

Những giờ khắc cuối cùng của đợt 1 đăng kí xét tuyển (ĐKXT) năm nay đã mang một không khí hoàn toàn khác với những kì tuyển sinh ĐH-CĐ năm trước. Đó là không còn cảnh đường xá chen chúc vì Thí sinh(TS) và PH đi lại, hay XH náo loạn vì việc TS rút, nộp hồ sơ.

Ở một số trường ĐH như ĐH Sài Gòn, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh…vào 2 ngày cuối của đợt xét tuyển 1, các trường đều chu đáo sắp xếp chỗ ngồi để tư vấn cho TS-PH khi tới nộp hồ sơ nhưng đa số đều không phải sử dụng vì hầu như TS tới nộp hồ sơ trực tiếp là rất ít. Nếu có cũng chỉ từ vài chục TS tới trong cả 1 ngày.

Một vài trường hợp do đã đăng ký trực tuyến nhưng sát giờ kết thúc nhận hồ sơ đợt 1 phát hiện có “trục trặc” trong thao tác online mới phải tới tận nơi. Dẫn chứng như: tại trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh trong ngày cuối chỉ có khoảng 20 hồ sơ tới nộp trực tiếp ĐKXT. Trong tổng hồ sơ toàn đợt xét NV1, trường nhận chỉ được trên 1.500 hồ sơ đăng ký trực tiếp. Đa số TS nộp trực tuyến và qua bưu điện.

Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngày cuối cùng họ chỉ có 30 TS đến trực tiếp nộp hồ sơ. TS tới thưa thớt trong cả ngày. Toàn bộ 7000 hồ sơ nhà trường tiếp nhận, đa số đều nộp qua trực tuyến và Bưu điện. ĐH Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, toàn đợt số hồ sơ nhận được hơn 4.400 nhưng chỉ có khoảng 30 hồ sơ nhận trực tiếp. Riêng tại ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ngày cuối cùng chỉ có vài TS đến đăng ký trực tiếp.

Trao đổi với PV  Báo CAND, TS Trần Đình Lý-Trưởng phòng đào tạo của ĐH Nông lâm chia sẻ, Tại ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, kết thúc đợt 1 nhận được 8.500 hồ sơ, trong đó số lượng gửi qua Bưu điện và online là rất lớn. Đa số TS năm nay chọn cách trực tuyến. Và đây cũng là cách tổ chức xét tuyển ĐH năm nay được dư luận đánh giá cao. Điều này đã cho thấy, việc ĐKXT online hay ứng dụng CNTT luôn là xu hướng và có nhiều lợi thế, vừa tiện lợi vừa hiệu quả.

Tuy nhiên, từ thực tế những trường hợp ghi nhầm về mã ngành, ảnh hưởng trực tiếp tới TS trong việc ĐKXT cũng chỉ ra rằng, TS của ta cần phải mạnh dạn, làm quen hơn nữa với việc “tương tác” trên mạng. Ngoài ra, TS Lý cũng cho rằng, nếu xét ở khía cạnh, mọi cái cần được đặt lên bàn cân công khai, minh bạch sẽ tốt hơn nhiều. Cần có thông tin, cần có cơ sở số liệu, dữ liệu tham khảo là nhu cầu rất có thật, rất chính đáng của TS,PH. Nếu lấy 1 phần ưu việt của quy chế năm nay cộng với phần ưu việt của năm trước thì sẽ tốt hơn.

Cụ thể, TS được phép ĐKXT 2 trường 4 NV với cả 3 hình thức ĐKXT(cái tốt năm nay) với việc cho phép TS nộp vào, rút ra khi nhìn thấy mức độ không an toàn bị tăng lên. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh về điểm số sau khi có sự cạnh tranh về nhu cầu vào ngành đó, ai có kết quả cao hơn sẽ vào ngành phù hợp, ai có chung nhu cầu nhưng điểm số thấp hơn sẽ đăng ký vào ngành phù hợp ở trường có phổ điểm thấp hơn. Thậm chí bằng cách này nên thực hiện chỉ trên 1 kênh là online, chỉ có điều, cơ sở hạng tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, phần mềm phải đáp ứng thật tốt.

Không gì thoải mái hơn khi giờ đây, thí sinh đã được quyền chọn trường phù hợp với nguyện vọng, sở thích ngành nghề và năng lực của mình để theo học.

Đến thời thí sinh “nắm đằng chuôi”

Ngay sau khi “chốt sổ” nhận hồ sơ xét NV1 vào chiều 12-8, trong mấy ngày qua, các trường đã bắt đầu lần lượt công bố điểm trúng tuyển và chỉ tiêu xét bổ sung để TS chủ động. Tuyển sinh ĐH –CĐ 2016 được khen nhiều về tổ chức xét tuyển nhưng, dư luận vẫn có ý kiến cho rằng, vẫn chưa thể hết căng thẳng với TS. Cụ thể, trong thời hạn 5 ngày( từ 14-8 tới 19-8) là khoảng thời gian TS suy nghĩ, quyết định nơi học chính thức và nộp giấy xác nhận kết quả (Bản duy nhất, bản chính), cũng có nghĩa xác nhận có hay không vào trường học. Như vậy, về phía các trường, tỉ lệ ảo là phải có. Vậy các trường đối  phó việc này ra sao?

“Ảo là phải có nhưng các mốc xét tuyển và hình thức của Bộ đưa ra trong qui chế cho thấy, gánh nặng TS ảo đã "dồn" về cho các trường năm nay. Bên cạnh rất nhiều ưu thế, lợi thế cho quy chế năm nay, được các trường và xã hội đánh giá cao và đạt mục tiêu tốt nhất. Tuy nhiên, có lẽ khi nói đến sự lo lắng “không hề nhẹ” và là từ “khóa” quan trọng, được nhắc đến khá nhiều của kì xét tuyển năm nay vẫn là vấn đề “ảo”. Đây là điểm yếu của phương thức xét tuyển năm nay”,TS Trần Đình Lý phân tích. Tuy nhiên, nhưng là điều để “đánh đổi” điểm yếu hơn của việc “giảm ảo” bằng qui chế, năm nay Bộ qui định, TS đăng ký xét tuyển 2 nguyện vọng(NV) vào chỉ một trường duy nhất, làm giảm ý nghĩa của việc chọn ngành theo định hướng nghề nghiệp, theo năng lực sở trường bản thân.

Giải quyết vấn đề này, chắc chắn hội đồng tuyển sinh các trường sẽ phải cân nhắc rất kỹ về bối cảnh, về xu thế lựa chọn nghề nghiệp, về tính  hot ngành nghề, tâm lý.. để đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp, tránh thiếu, tránh thừa ở mức thấp nhất. Nghĩa là các trường sẽ phải làm một “ma trận SWOT” (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) về ngành học mà TS đang quan tâm như thế nào?? hệ thống “lọc ảo” của mỗi trường giải quyết vấn đề ngon lành thì sẽ khẳng định sự tốt hơn của kỳ xét tuyển năm nay.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, TS Lý cho hay, nhờ ấn định mức điểm sàn xét tuyển là 18, trường đã loại được một lượng không nhỏ TS ảo. Năm nay, trừ 2 phân hiệu, là tại ĐH Nông lâm Gia Lai và Ninh Thuận, khả năng trường không xét tuyển NV bổ sung. Một số ngành đúng như lúc đầu dự kiến có điểm chuẩn tăng cao như: công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, thú y, nông học, quản trị kinh doanh… với mức từ 21-23.

Đến giờ, khá nhiều trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển và trong vài ngày tới TS sẽ có được một cảm giác vô cùng thoải mái mà chưa kì tuyển sinh nào trước đó đạt được, đó là chủ động chọn trường. Còn về phía nhà trường chắc chắn sẽ không ít trường tốp giữa và nhất là tốp dưới đang "chạy đua" với phương án tuyển nguyện vọng bổ sung bởi tỷ lệ ảo là không thể tránh. Các trường hồi hộp trong khi TS đang “nắm đằng chuôi” và đương nhiên, điều này sẽ được đông đảo TS và cả dư luận xã hội ủng hộ.

Huyền Nga
.
.
.