Các trường Đại học tìm phương án chống hồ sơ “ảo”

Thứ Tư, 10/08/2016, 19:25
Lãnh đạo nhiều trường ĐH nhận định, tình trạng thí sinh “ảo” năm nay khá lớn do các em được chọn nộp hồ sơ vào 2 trường cùng lúc, và rất có thể sẽ trúng tuyển vào cả 2 trường.

TS. Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: Tính đến ngày 10-8, nhà trường đã nhận được khoảng hơn 3.200 hồ sơ xét tuyển vào trường, trong đó có khoảng 2.500 hồ sơ nộp trực tiếp và 700 hồ sơ nộp qua bưu điện. Nếu so số lượng hồ sơ với số chỉ tiêu thì nguồn tuyển khá dồi dào. Trong đó, đa phần thí sinh nộp hồ sơ vào trường đều có mức điểm từ 20 trở lên. Tuy nhiên, do năm nay thí sinh được nộp tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường nên lo ngại nhất là tình trạng thí sinh ảo.

Theo phân tích của ông Dũng, năm nay tỷ lệ hồ sơ ảo sẽ rất cao, có thể lên tới 50%. Mặc dù gia nhập nhóm GX có thể có giảm “ảo” nhưng chỉ được một phần bởi qua con số thống kê của nhóm GX cho thấy, có tới 50% thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 ở trường ngoài nhóm.

“Ví dụ thí sinh nộp nguyện vọng 1 vào Học viện ngân hàng nhưng nguyện vọng 2 nộp vào Học viện tài chính, ĐH Thương Mại… nên số lượng hồ sơ “ảo” khá lớn. Do đó, cần phải tính toán gọi nhập học như thế nào để tối ưu nhất với chỉ tiêu vì năm nay không có cơ sở để phân tích bởi thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học nên khó có phương án chống “ảo” hiệu quả.

Tư vấn đăng ký xét tuyển cho thí sinh và phụ huynh vào Học viện Ngân hàng ngày 10-8.

Về mặt lý thuyết, nếu trường nhận số lượng thí sinh nhập học tăng lên 150% thì mới đáp ứng được nhu cầu và tránh “ảo”. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp nhận nhiều, thí sinh đến vượt chỉ tiêu thì trường lại vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Còn nếu trường gọi theo số lượng chỉ tiêu nhưng thí sinh đến ít lại không tuyển đủ chỉ tiêu và phải thông báo xét tuyển nguyện vọng 2. Trong khi đó, nhà trường lại không muốn xét tuyển nguyện vọng 2 bởi ở đợt xét tuyển bổ sung này, sẽ khó chọn được thí sinh giỏi, chất lượng sẽ thấp hơn nguyện vọng 1”- ông Dũng chia sẻ.

PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết: Tính đến ngày 10-8, lượng hồ sơ nhà trường nhận được cũng đã gần sát với chỉ tiêu, trong đó riêng ngành Báo chí có 1.336 thí sinh đăng ký, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Tuy vậy, điều khiến nhà trường lo lắng nhất vẫn là tình trạng thí sinh ảo. "Năm nay, các em có tới 2 nguyện vọng vào 2 trường, nên mức độ "ảo" sẽ rất cao, bởi thường những em điểm cao sẽ trúng luôn 4 nguyện vọng ở cả 2 trường. Khi các em trúng rồi thì các em có quyền lựa chọn, ngay cả trong trường ấy các em chọn vào ngành nào các trường cũng không biết được.

Như vậy, “ảo” xuất hiện ngay cả khi 1 trường chứ đừng nói là 2 trường khác nhau. Điều này cho thấy, giảm "ảo" đang là câu chuyện cực kỳ khó khăn của tất cả các trường. Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do hồ sơ ảo lớn và khó đoán như vậy nên có thể năm nay nhà trường sẽ phải tuyển tiếp ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung”- PGS Lưu Văn An cho hay.

Không chỉ các trường top trên mà các trường top giữa cũng “đau đầu” với tình trạng thí sinh ảo. TS. Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hồng Đức cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã nhận được khoảng 1.200 hồ sơ xét tuyển, đạt 50% so với chỉ tiêu, trong đó có một số ngành đã đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, do năm nay lượng hồ sơ ảo rất cao nên trong số 1.200 hồ sơ đã nhận, tỷ lệ ảo có thể lên tới 30%, thậm chí là 50%. Do vậy, khả năng nhà trường phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 là chắc chắn.

Trước lo lắng về việc tình trạng thí sinh ảo lớn sẽ khiến các trường khó tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Có rất nhiều cách để các trường đảm bảo cho chỉ tiêu không bị hụt đi. Đơn cử như việc Bộ GD&ĐT đã quy định trong vòng 48 giờ sau khi biết kết quả trúng tuyển, thí sinh phải nộp duy nhất 1 giấy báo điểm cho trường mình trúng tuyển. Quá thời hạn đó coi như thí sinh không vào học.

Bên cạnh đó, năm nay Bộ GD&ĐT cũng  đã yêu cầu thí sinh khi gửi phiếu đăng ký xét tuyển vào trường thứ nhất phải ghi rõ nộp trường thứ 2 là trường nào nhằm tạo điều kiện cho các trường có thêm cơ sở để đưa ra điểm xét tuyển phù hợp. Còn trong trường hợp, nếu đợt 1 không tuyển đủ chỉ tiêu, các trường hoàn toàn có thể tuyển tiếp ở các đợt xét tuyển tiếp theo.

Huyền Thanh
.
.
.