Tuyển sinh vào lớp 6: Áp lực thi cử đang chuyển hướng?

Thứ Bảy, 14/05/2016, 09:28
Mặc dù đầu tháng 7 mới là thời điểm chính thức để các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 5, một số trường chất lượng cao, có thương hiệu trên địa bàn đã công bố phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu và nhận hồ sơ xét tuyển.


Nhìn vào điều kiện dự tuyển mà các trường đưa ra như kết quả học tập phải đạt điểm tối đa trong 5 năm học tiểu học, đạt giải 1 trong số các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức mới thấy, cuộc đua vào lớp 6 tại các trường top trên ở Hà Nội chưa bao giờ hết nóng.

Tại thời điểm hiện tại, một số trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố như Nguyễn Tất Thành, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu... đã công bố chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh vào lớp 6. Đồng thời, tiến hành phát hành hồ sơ xét tuyển đến phụ huynh học sinh.

Áp lực thi cử của học sinh tiểu học không mất đi mà dường như đang được chuyển từ thi tuyển sang thi học sinh giỏi để giành suất vào lớp 6. Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch.

Năm 2016, Trường THCS Lương Thế Vinh dự kiến tuyển khoảng 600 học sinh vào lớp 6 và thực hiện phương thức xét tuyển. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho biết: Hiện nhà trường đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ, gần gấp đôi so với chỉ tiêu. Điều kiện để xét tuyển vào trường, học sinh phải có 5 năm liền đạt học sinh giỏi, nhưng đó chỉ là điều kiện cần.

Do hầu hết các học sinh dự tuyển đều đạt được tiêu chí này nên nhà trường phải tìm những tiêu chí khác để lựa chọn học sinh.

Cụ thể, trường sẽ ưu tiên tuyển những học sinh đạt giải trong các cuộc thi do ngành GD&ĐT tổ chức, kể cả cuộc thi giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng hay các cuộc thi văn hóa, thể dục, thể thao từ cấp quận, huyện đến thành phố.

Đồng thời, nhà trường sẽ xem xét đến những học sinh đạt giải ở những cuộc thi ở quy mô nhỏ hơn như cấp trường hay học sinh có bằng khen hoặc giấy chứng nhận đã tham gia các hoạt động, những cuộc thi do ngành GD&ĐT hoặc tổ chức trong nước và quốc tế. Học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi những tổ chức giáo dục có uy tín cũng được xem là điều kiện được “cộng điểm” trong quá trình xét tuyển.

Trường THPT & THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng áp dụng chế độ tuyển thẳng cho những học sinh có thành tích đặc biệt trong năm học 2015- 2016 đối với những thí sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, các giải thuộc cấp quốc tế, quốc gia… và xét tuyển để lựa chọn học sinh đáp ứng yêu cầu của trường.

Tương tự, Trường Marie Curie thông báo tuyển thẳng những học sinh có thành tích đặc biệt trong năm học 2015 - 2016 như giải nhất, nhì, ba, khuyến khích các môn văn hóa trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc trong cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng từ cấp quận trở lên.

Tại Trường THCS Nguyễn Siêu, do là trường đào tạo liên thông từ cấp 1, cấp 2 và cấp 3 nên việc xét tuyển vào lớp 6 sẽ được nhà trường lựa chọn theo tiêu chí riêng. Đó là ưu tiên cho các học sinh hiện đang học lớp 5 tại trường. Sau khi tuyển đủ số lượng học sinh từ lớp 5 trong hệ thống, trường mới mở rộng sang các đối tượng bên ngoài.

Trong đó, đối tượng được ưu tiên xét tuyển đầu tiên là học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi do ngành GD&ĐT tổ chức...  Tại Trường THCS Hà Nội-Amsterdam, dù chưa đưa ra phương án tuyển sinh năm 2016 nhưng nhìn vào kết quả của năm 2015 cho thấy, cả 200 học sinh trúng tuyển vào trường ngoài việc đạt điểm tuyệt đối trong 5 năm tiểu học còn phải đạt giải trong các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức.

Từ điều kiện trên cho thấy, học bạ đẹp với tất cả các môn đều đạt điểm tối đa là một trong những tiêu chí cần, song chưa đủ, nhất là trong bối cảnh dư luận đang lo lắng, băn khoăn về việc sẽ có nhiều phụ huynh muốn con được vào trường mình muốn nên sẽ tìm mọi cách “đầu tư” để có học bạ đẹp.

Do đó, để có một suất chắc ăn vào các trường chất lượng cao, học sinh phải sở hữu một giải thưởng nhất, nhì, ba nào đó từ cấp quận đến thành phố, quốc gia. Thậm chí, việc tuyển thẳng học sinh giỏi cũng đã và đang được các trường mở rộng sang các môn nghệ thuật, văn hóa, thể thao cũng như các cuộc thi trí tuệ khác như Olympic Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

Điều này, vô hình trung buộc các em học sinh và phụ huynh phải bước vào một cuộc đua mới. Đó là để có một “tấm vé” vào trường điểm, nhiều phụ huynh bắt con phải tham gia các cuộc thi của thành phố, của ngành Giáo dục… để có thêm điểm cộng. Nói cách khác, áp lực thi cử không mất đi mà dường như đang được chuyển hướng từ việc thi tuyển sang thi học sinh giỏi.

Lý giải về lý do vì sao các trường đều tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho các học sinh đoạt giải khi xét tuyển, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết: Điều này cũng là dễ hiểu bởi trong bối cảnh bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, học bạ của các em đều đẹp như nhau, ngành giáo dục lại cấm thi tuyển thì việc đạt giải ở một kỳ thi nào đó chính là tiêu chí quan trọng để nhà trường có thể lựa chọn học sinh một cách công bằng.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, để đạt giải trong các cuộc thi, các em phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Do vậy, việc tuyển thẳng hay cộng điểm ưu tiên chính là sự động viên, khuyến khích lớn đối với các em.

Tuy nhiên, ông Khang cũng bày tỏ lo ngại rằng có những trường hợp chạy điểm để có giải trong một kỳ thi học sinh giỏi nào đó, nhà trường cũng rất khó có thể phát hiện ra được những trường hợp như vậy.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định: Do chỉ tiêu ít, mà số lượng hồ sơ nhiều nên buộc các trường phải đưa ra tiêu chí phụ để lựa chọn học sinh và đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh.

Việc đưa ra thêm các tiêu chí tuyển sinh vào trường có hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh như có thêm giấy khen, bằng khen, điểm ưu tiên ở các cuộc thi là quyền lựa chọn riêng của các trường. Học sinh nào đáp ứng được các tiêu chí mà trường đưa ra thì mới trúng tuyển vào trường bởi nhà trường không thể tuyển sinh hết được hồ sơ đăng ký.

Huyền Thanh
.
.
.