Phát điên vì áp lực thi cử

Thứ Sáu, 18/06/2010, 16:59
Quá áp lực vì sợ bị cha mẹ la rầy vì thi không tốt, sợ không đạt được sự mong mỏi của cha mẹ, những nỗi sợ bám riết tâm trí nhiều HS theo thời gian, và thành stress nhân lên nhiều lần ở những cơ thể không chịu nổi áp lực.

Cứ mỗi khi xuất hiện sắc đỏ của hoa phượng thì cũng là lúc những kỷ niệm học trò lại được người ta nhắc đến xen lẫn đôi chút cảm giác hồi hộp của mùa thi. Thế nhưng, sự hồi hộp đó ngày nay dường như đã trở thành nỗi sợ hãi, thành… stress với học trò vì áp lực thi cử. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng thấp thoáng trong đó là "bóng dáng" của sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ vào khả năng học tập của con.

Những học trò "3 ca 4 kíp"

Những tưởng lịch thời gian như trên chỉ hợp với những bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu của các bệnh viện với áp lực công việc triền miên phục vụ bệnh nhân. Nhưng hiện nó gần như đang trở thành lịch học tập của nhiều HS đang ôn thi, ngay với HS thi chuyển cấp hệ phổ thông. Còn với nhiều "sĩ tử" đang chuẩn bị tham gia kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới thì khỏi phải nói.

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với các em HS lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp ở một số trường tại TP HCM. Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa các em sẽ bước vào phòng thi với sự khốc liệt đâu có kém thi ĐH-CĐ. Vì số trường công lập có hạn, hàng chục ngàn HS sẽ "mất chỗ" buộc phải học trường tư, dân lập nếu rớt cả 3 nguyện vọng.

Em N.T.B. là HS lớp 9… thuộc lớp điểm của Trường THCS P.T.H. (Gò Vấp) với bề dày thành tích của lớp là cả 42 HS đều có học lực giỏi. Cha mẹ của B. đều là giáo viên dạy toán và văn giỏi hệ THCS, ba em còn đang chuẩn bị lên làm hiệu trưởng một trường trong quận. Do đó, theo "lệnh" của mẹ, em luôn phải giữ "phong độ". Môn Anh văn em phải thi đậu trình độ TOEIC (trình độ giao tiếp tiếng Anh cơ bản quốc tế). Phải thi đậu lớp 10 chuyên Anh văn trường tốp đầu THPT Nguyễn Công Trứ. Ngay từ lớp 9, B. đã phải thi đậu chứng chỉ B tiếng Anh. Và vào lớp 12 em phải có bằng C tiếng Anh, rồi sẽ thi TOEFL…

HS THCS Hồng Bàng, quận 5, TP HCM tại "lò" luyện thi tuyển sinh lớp 10.

Để đạt được kết quả học tập như trên, ngoài thời gian học trên lớp, tối về B. phải đi học thêm môn toán, lý, hóa, Anh văn suốt tuần. Thế đã là mệt mỏi nhưng trong đợt thi thử tuyển 10 vừa qua kết quả thi của cả lớp đều sụt thê thảm: 23/42 bạn môn Anh văn dưới trung bình; 26/42 bạn có tổng 3 môn chưa đạt 26 điểm. So với nguyện vọng 1 vào THPT Nguyễn Công Trứ mà cả lớp đăng ký gần hết thì rớt tới phân nửa. Vậy là không chỉ em mà hầu như cả lớp bị cha mẹ "ép" học "tăng ca". Ngoài 6 tiết buổi sáng và buổi chiều ôn luyện ở trường, chiều tối từ 17h phải liên tục tới lớp luyện thi. "Riêng môn văn, do mỗi cô mỗi ý khác nhau nên mẹ con buộc phải theo học 2 lớp văn một lúc". Lịch học của em dày đặc.

Riêng Anh văn em phải tham gia học 3 tiếng từ 18 tới 21h 2 buổi/tuần. Và thứ 7, chủ nhật học luôn 4 ca: sáng 7h tới 11h, chiều Anh văn (14 tới 17h30'). Mẹ đón B ngay từ cổng chở ra ngoài ăn tạm để vào lớp học văn tới 21h. "Khuya về tới nhà dù mẹ nấu rất nhiều món ăn bổ dưỡng nhưng con không nuốt nổi chỉ muốn lăn ra ngủ thôi" - cô bé kể.

Cảnh báo từ các khoa tâm lý về tâm thần

Quá áp lực vì sợ bị cha mẹ la rầy vì thi không tốt, sợ không đạt được sự mong mỏi của cha mẹ, những nỗi sợ bám riết tâm trí nhiều HS theo thời gian, và thành stress nhân lên nhiều lần ở những cơ thể không chịu nổi áp lực. Và vụ việc điển hình nhất gần đây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là đầu giờ buổi thi ngày 4/6, thí sinh N.H.M. tại một HĐT TP Đà Nẵng có những biểu hiện không ổn định về thần kinh. Trong suốt giờ thi, thí sinh này luôn hát hò, nói to. Buộc lòng Chủ tịch HĐT phải đưa vào phòng riêng quản lý.

Ngoài ra còn ghi nhận tình trạng thí sinh trong đợt thi tốt nghiệp vừa qua có triệu chứng tức ngực, ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu như 1 nữ thí sinh tại HĐT Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), hay nữ thí sinh tên B.T.M.T. (ngụ Thủ Đức) thuộc HĐT THCS Trương Công Định - Bình Thạnh phải bỏ kỳ thi vì giáp ngày thi phải nhập viện do bị sốt đột ngột, hồi hộp khó thở.

Trao đổi với PGS TS Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, ông đã đưa ra khá nhiều ý kiến xung quanh trường hợp trên. Vấn đề nhận thức của HS về kỳ thi là rất quan trọng. Có HS coi thi cử là chuyện nhẹ nhàng nhưng với một số HS lại coi vô cùng quan trọng, không đạt được sẽ khó có thể vượt qua, nguyên nhân này có khả năng dẫn tới rối loạn. "Rất có thể em M. đã rơi vào tình trạng rối loạn phân ly. Triệu chứng bệnh xảy ra khi quá căng thẳng tinh thần. Việc tự nhiên muốn múa - hát thì có thể tự khỏi, nhưng cái quan trọng là gánh nặng tâm lý. Và lại rất dễ lây, nếu một trong các thí sinh xung quanh cũng trong tình trạng căng thẳng tương tự sẽ gây nên phản ứng dây chuyền rất nguy hiểm".

Chuyên gia tâm lý - bác sĩ Lê Minh Công - Phó khoa Tâm lý lâm sàng của BV Tâm thần Trung ương II (Biên Hòa - Đồng Nai) cho biết: Vì nhiều lý do từ gia đình, từ nhà trường và bản thân HS mà áp lực thi cử gây nên nhiều tác hại tới sức khỏe HS. Trong 3 năm trở lại đây, Khoa Tâm lý đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám và điều trị tâm lý tại "Khu tham vấn tâm lý trẻ em và thanh, thiếu niên" BV Tâm thần Trung ương II . Chiếm khoảng 70% là HS. Trong đó tỷ lệ cao do áp lực học tập nói chung và do căng thẳng mùa thi nói riêng.

Được biết, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2010, tại Khoa Khám nhi BV Tâm thần TP HCM đã có 5.310 bệnh nhân lứa tuổi học trò tới khám tham vấn với một loạt triệu chứng như tính tình thay đổi, khó kiềm chế cảm xúc, xé vở sách, giật mình khi ngủ...

H.Nga
.
.
.