Thiếu trầm trọng phòng học khi triển khai chương trình mới

Thứ Tư, 31/01/2018, 09:15
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, có hai điều kiện tối thiểu cần đảm bảo là học sinh có đủ phòng học để học hai buổi một ngày và sĩ số học sinh phù hợp với Điều lệ trường học là 35 em/lớp đối với bậc tiểu học và 45 em trên/lớp đối với bậc THCS.

Tuy nhiên, theo khảo sát bước đầu của ngành Giáo dục, số lượng phòng học, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học của nhiều địa phương trên toàn quốc còn thiếu so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc sỹ số lớp học quá tải cũng đang là bài toán đau đầu của nhiều thành phố lớn khi triển khai chương trình mới.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với 14.883.647 học sinh, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học. Tuy nhiên, điều kiện về phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thiếu phòng học và thiết bị dạy học đang là nỗi lo của nhiều địa phương khi triển khai chương trình mới. Ảnh minh họa.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cần đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học (tiểu học 30.344 phòng, THCS 20.571 phòng, THPT 6.169 phòng). Bên cạnh đó, để kiên cố hóa các phòng học, cần đầu tư xây dựng thay thế 96.352 phòng (tiểu học 55.035 phòng, THCS 18.017 phòng, THPT 3.330 phòng).

Về phòng học bộ môn, cấp THCS (với quy mô quy ước 1 trường THCS 16 lớp là 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 24.300 phòng còn thiếu và 10.244 phòng chưa đáp ứng quy định; cấp THPT (với quy mô quy ước 1 trường THPT 24 lớp là 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 3.270 phòng còn thiếu và 3.195 phòng chưa đáp ứng quy định.

Mặc dù là một trong những địa phương được đánh giá là có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt nhưng theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện mới có khoảng 95% trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Các phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học cũng mới chỉ đáp ứng được từ 50 - 70% so với yêu cầu của chương trình mới.

Theo tính toán của Phòng Kế hoạch- Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu chương trình mới được áp dụng với khối lớp 1 ngay từ năm học 2019-2020 thì thành phố sẽ ưu tiên tối đa để khối học này được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất khả kháng, khoảng 10 trường chỉ học được 1 buổi/ngày. Lý do là các trường học này hiện vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS thì không thể dạy cả ngày tại trường. Nếu muốn tách ra thì phải xây thêm trường mới hoặc thuê cơ sở bên ngoài để dạy 2 buổi/ngày cho học sinh.

Một khó khăn khác của Hà Nội là sĩ số học sinh đang quá tải. Mặc dù Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp nhưng sĩ số trung bình của Hà Nội lên đến 50 - 60 học sinh/lớp, nhất là ở nhiều trường khu vực nội thành. Đơn cử như ở quận Cầu Giấy, sĩ số trung bình của toàn quận lên tới 55,33 học sinh/lớp. Các trường tại quận Hoàng Mai trung bình có khoảng 48 học sinh/lớp, quận Đống Đa có những trường như Kim Liên, Nam Thành Công lên tới 60 học sinh/lớp...

Lãnh đạo nhiều trường học Hà Nội thừa nhận, sĩ số lớp học rơi vào quá tải đang là trở ngại đối với việc triển khai chương trình mới. Trên lý thuyết, quy mô lớp tiểu học cao nhất là 35 học sinh nhưng thực tế, phần lớn các trường của Hà Nội đều có sĩ số lên đến 50-60 em.

Bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng: Tình trạng quá tải về quy mô học sinh là khó khăn chung của giáo dục tiểu học hiện nay. Vì vậy, nếu bài toán quá tải này không được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai chương trình môn học mới. Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) cũng cho biết: Dù ở ngoại thành nhưng nhà trường hiện cũng đang quá tải về quy mô học sinh với sĩ số lên tới 50 học sinh/lớp và tương lai còn tăng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường đang xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, vì vậy nếu không có sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất sẽ rất khó triển khai áp dụng chương trình mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cũng bày tỏ lo ngại: “Do thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng, nên tại Hà Nội hiện vẫn có những trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần, dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ chương trình trừ những môn tự chọn. Thứ hai là cần làm sao để sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT với tiểu học là 35 em/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 em trở xuống. Còn mỗi lớp 50 học sinh, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được, nhất là những môn học trải nghiệm sáng tạo”.

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Chuẩn bị triển khai áp dụng chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát điều kiện cơ sở vật chất của các trường học trên cả nước để đưa ra những con số cụ thể.

Để đón đầu, các địa phương cần phải tích cực vào cuộc trong việc cải thiện các điều kiện học tập, điều kiện cơ sở vật chất của trường học theo hướng hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư.

Tuy vậy, ông Hùng cũng khuyến cáo, việc đầu tư phải đầu tư có trọng điểm, ưu tiên đủ phòng học cho bậc tiểu học và ưu tiên xây dựng bổ sung phòng học bộ môn cho bậc trung học. Trong đó, những môn học nhất thiết cần sử dụng phòng học bộ môn cần được ưu tiên đầu tư trước về thiết bị dạy học, tránh đầu tư ồ ạt, tràn lan gây lãng phí.

Huyền Thanh
.
.
.