Bùng nổ làn sóng tranh cãi cải tiến tiếng Việt

Thứ Bảy, 25/11/2017, 19:07
Ngay sau khi đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được báo chí đăng tải đã nhanh chóng tạo ra làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận xã hội.


Chia sẻ với phóng viên báo chí về đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của mình, PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: Trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Để minh chứng cho sự bất cập của Tiếng Việt hiện tại, PGS.TS Bùi Hiền lập luận: “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C-Q-K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr- Ch (tra, cha), S- X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

Đây là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin”.

Từ những bất cập này, ông Bùi Hiền đưa ra kiến nghị để hướng tới một phương án tối ưu hơn. Cụ thể, chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. 

Việc cải tiến chữ cái tiếng Việt nếu được áp dụng sẽ khiến cho nhiều từ ngữ khó giải nghĩa hơn trước.

Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Theo ông Hiền, việc cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng, giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng thừa nhận, do công trình nghiên cứu chưa hoàn chỉnh cũng như chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đã đưa lên giới thiệu nên việc bắt người chưa quen, chưa học, chưa hiểu… phải chấp nhận thì khó.

“Tôi đã nghiên cứu công trình này hơn 20 năm nay và gần đây, giới thiệu công trình ở một bài viết gửi kỉ yếu hội thảo khoa học ở Quy Nhơn về ngôn ngữ. Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm). Ngôn ngữ có lịch sử lâu đời, những cải tiến động chạm đến chữ quốc ngữ rất nhạy cảm, việc đưa ra không có chuẩn bị sẽ dễ gây sốc. Nếu tôi là một người bình thường, tự dưng đọc qua loa về cải tiến này thì chính tôi cũng cảm thấy ngớ ngẩn”-ông Hiền chia sẻ.

Ngay sau khi phương án cải tiến chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền được đưa ra, đã xuất hiện nhiều tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn và toàn xã hội. Trong đó, phần lớn các ý kiến đều không đồng tình với phương án cải tiến này. Anh Phan Tất Thăng, phụ huynh học sinh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng: Điều căn bản với người làm khoa học là phải có cái nhìn đa chiều. Cần phải nắm rõ lợi ích và tác hại đi kèm của mỗi sáng kiến trước khi công bố.

Còn chị Bùi Thu Thanh, biên tập viên của một Tạp chí chuyên ngành về ngôn ngữ cũng nêu quan điểm: “Đúng là cha ông chúng ta đã có sử dụng một phần chữ cái latinh để hình thành nên Tiếng Việt. Tuy nhiên, nó đã được sáng tạo và sử dụng phù hợp cho ngôn ngữ Tiếng Việt. 

Cụ thể là bổ sung các chữ cái như Ă, Â, Đ, Ơ, Ô, Ư và dấu thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Nếu tác giả của sáng kiến cải tiến này tìm thấy một quốc gia nào khác trên thế giới sử dụng từ ngữ như chữ Tiếng Việt hiện nay thì hãy nói tiếng Việt là chữ nước ngoài. Chưa cần bàn nhiều đến nội dung, việc tác giả dùng từ ngữ, khái niệm như thế đã là chưa chuẩn xác”.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho rằng: Chúng ta nên giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Nếu thay đổi như đề xuất thì nhiều từ trong tiếng Việt sẽ khó giải nghĩa từ hơn trước. Đó là chưa kể đến sự tinh tế trong tiếng Việt, vốn là niềm tự hào bao đời nay của người Việt Nam cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chúng ta nên giữ đúng bản sắc của ông cha, đừng chạy theo những thứ ngoại lai mà tự làm mất đi những giá trị mà dân tộc mình đã được thử thách qua nhiều thế hệ.

Huyền Thanh
.
.
.