Tăng tính ứng dụng thực tiễn trong nhiều môn học mới

Thứ Hai, 15/01/2018, 08:34
Như Báo CAND đã thông tin, ngoài hai môn Ngữ văn và Lịch sử sẽ được thay đổi theo hướng tăng quyền chủ động được lựa chọn tác phẩm cho người học và học sinh không còn phải học thuộc lòng, rất nhiều môn học khác như Giáo dục công dân và Toán trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ được thiết kế lại theo hướng giảm tính hàn lâm, tăng tính ứng dụng và thực tiễn.

Dạy học sinh cách tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lý

Cũng giống như chương trình hiện hành, nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế. Tuy nhiên, chương trình mới sẽ có những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành, đó là ở giai đoạn giáo dục cơ bản (bậc tiểu học và trung học cơ sở), môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc. 

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông), môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học. 

Nội dung chủ yếu của môn học là cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong các quan hệ kinh tế và pháp luật.

Một điểm khác biệt khác của chương trình môn Giáo dục công dân mới là mục tiêu của môn học này cũng được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, hình thành cho học sinh những năng lực căn bản cần phải có như năng lực phát triển bản thân; năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức; năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật và năng lực giải quyết các vấn đề kinh tế.

Nhiều môn học trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thiết kế lại phù hợp hơn.

Đặc biệt, ở năng lực giải quyết các vấn đề kinh tế, lần đầu tiên, môn học này dạy học sinh các kỹ năng nhận biết mệnh giá tiền, tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lý. 

Cụ thể, ở cấp tiểu học, môn học tập trung dạy học sinh các kỹ năng như nhận biết và thực hiện quyền, bổn phận của bản thân phù hợp lứa tuổi trong các quan hệ với gia đình, bạn bè, nhà trường, cộng đồng và môi trường sống; Nhận biết được các loại mệnh giá tiền và giá trị của mỗi mệnh giá tiền Việt Nam.

Ở cấp trung học cơ sở, dạy học sinh cách tiết kiệm và sử dụng hợp lý tiền như nhận biết được giá trị của tiền đối với cuộc sống; tiết kiệm tiền và vận dụng được những kỹ năng quản lý tiền vào những tình huống thực tế; Lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và tiêu tiền một cách hợp lý. 

Ở cấp trung học phổ thông, hiểu được các kiến thức cơ bản về hoạt động của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, hoạt động kinh tế của Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tiêu dùng. Đặc biệt, giúp học sinh có thể lập kế hoạch tài chính; chính sách và các hoạt động tín dụng, biết cách sử dụng các dịch vụ tín dụng một cách có trách nhiệm.

Giảm bớt kiến thức hàn lâm, tăng thời lượng ứng dụng

Về cấu trúc, chương trình môn Toán trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với chương trình hiện hành là lần đầu tiên, chương trình sẽ dành thời gian thích đáng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn. 

Qua đó, học sinh được phát triển năng lực tổ chức và quản lý hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; giúp các em bước đầu xác định được năng lực, sở trường nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Đây cũng là cách tạo dựng một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

Do cách tiếp cận môn học thay đổi nên tinh thần chung của chương trình môn Toán mới là sẽ giảm nhẹ yêu cầu về giải bài tập, cương quyết không đưa vào các dạng bài tập mẹo, lắt léo, vốn chỉ để phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển năng lực cho người học. 

Cụ thể, chương trình dành 21% tổng thời lượng chương trình học của cả 12 năm cho nội dung về ứng dụng Toán học. Trong đó, 12% tổng thời lượng dành cho Thống kê và Xác suất sẽ được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. Các giờ thực hành và hoạt động trải nghiệm môn Toán chiếm 9%, có trong tất cả lớp, cấp học. 

Đặc biệt, ở lớp 12, chương trình thiết kế chuyên đề ứng dụng Toán học trong các vấn đề liên quan đến tài chính, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học trong giải quyết một số vấn đề thiết yếu, gần gũi với cuộc sống như đầu tư tài chính hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng.         

Sẽ đẩy mạnh hướng nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm

Cũng theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm sẽ là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động trải nghiệm được chia thành hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục hướng nghiệp. 

Ở tiểu học, hoạt động này được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở trung học cơ sở và trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn gia đình, nhà trường, xã hội; tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. 

Các năng lực chung hình thành và phát triển trong Hoạt động trải nghiệm được thể hiện dưới hình thức đặc thù như năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp. 

Huyền Thanh

.
.
.