“Tích hợp” môn học có thật sự giảm tải chương trình

Thứ Hai, 28/10/2013, 14:33
Tại hội thảo "Kế hoạch giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015" được Bộ GD&ĐT tổ chức trong hai ngày 26 và 27/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ thiết kế ít môn và thời lượng học cũng ít hơn. Những môn học phụ để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện như trước cũng sẽ bị loại bỏ.

Nội dung giáo dục sẽ theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, tăng thực hành, vận dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tiễn, chú trọng giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, kĩ năng sống, pháp luật, thể chất, quốc phòng và hướng nghiệp. Tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Khắc phục tình trạng chương trình bị cắt khúc, thiếu thống nhất giữa các cấp học.

Về phương giáp dạy, theo Ban Chỉ đạo đổi mới, sẽ khắc phục được lối truyền thụ kiến thức một chiều, ghi nhớ máy móc, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học, giáo viên tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học theo phương châm “giảng ít, học nhiều”, bồi dưỡng ý thức học tập suốt đời.

Như vậy, có thể khẳng định, học sinh đến trường sẽ không còn phải chịu cảnh áp lực môn học quá tải. Tương ứng đối với đổi mới chương trình thì sách giáo khoa cũng cần thay đổi cách thức biên soạn theo hướng, mỗi bài học đưa ra các tình huống giàu tính thực tiễn, hoặc các tình huống giả định buộc phải vận dụng kiến thức và kĩ năng để tìm cách giải quyết.

Một tiết học môn Địa lý của học sinh lớp 6, trường THCS Trần Đăng Ninh, Nam Định. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ GD&ĐT, sau năm 2015, giáo dục phổ thông sẽ cấu trúc 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 học 9 năm (gồm Tiểu học và THCS), cung cấp người học cơ bản nhất hình thành nhân cách, trang bị kiến thức kĩ năng tối thiểu; học xong THCS để đảm bảo đi học, đi làm tiếp và sống với mọi người xung quanh. Không yêu cầu cao, sâu, nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách. Giai đoạn 2 (3 năm THPT), tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân. Và để học sinh không bị đột ngột thì lớp 10 sẽ được thiết kế là lớp “chuyển hóa từ giai đoạn tổng hợp sang giai đoạn phân hóa”.

Căn cứ định hướng cấu trúc một số môn học - Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 đưa dự kiến các môn học ở từng lớp học như sau: Tiểu học lớp 1 và 2 học sinh phải học 3 môn học và 4 hoạt động giáo dục (HĐGD) bắt buộc. Ba môn học bắt buộc gồm Tiếng Việt, Toán, Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội (tích hợp môn Đạo đức); 4 HĐGD gồm: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp môn Thủ công) và Tập thể.

Các môn học, HĐGD bắt buộc ở lớp 3 gồm 5 môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội; 4 HĐGD gồm Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp môn Thủ công), Tập thể. Các môn học, HĐGD tự chọn: Tự học có hướng dẫn, Đọc văn, Làm quen với máy tính, Nghệ thuật, Thể dục. Lớp 4 và 5 với các môn học, HĐGD bắt buộc gồm 6 môn: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên (gồm các chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất), Tìm hiểu Xã hội (gồm các chủ đề về Lịch sử, Địa lý, Giáo dục sức khỏe, Kinh tế gia đình).

Các môn học, hoạt động bắt buộc cấp THCS gồm 7 môn học: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Chủ đề liên môn), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, Chủ đề liên môn), GDCD, Công nghệ.

Lớp 10 học sinh học 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ Văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ 1, Vật lý, hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ. 4 HĐGD gồm Thể chất, Hướng nghiệp, Quốc phòng – An ninh, Tập thể. Lớp 11, 12 đổi mới theo hướng học sinh học 3 môn bắt buộc, gồm Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và 4 HĐGD bắt buộc gồm Thể chất, Hướng nghiệp, Quốc phòng - An ninh, Tập thể.

Thiết nghĩ, “tích hợp” môn học là điều vô cùng cần thiết lúc này. Nhưng các nhà soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông cũng cần phải cân nhắc bài toán tích hợp khoa học để không bị thiếu hụt kiến thức, tính đến sự cân đối giữa chương trình các lớp, vì theo một số nhà khoa học, chương trình lớp 10 theo thiết kế mới là quá nặng so với lớp 11, 12. Cũng cần phải tính đến phương án tuyển sinh sẽ liên quan như thế nào tới việc thiết kế môn học, vì sẽ có những môn học tự chọn quá ít học sinh học hoặc ngược lại. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên sẵn sàng thích ứng với chương trình mới cần phải được làm từ bây giờ, để không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, phải kiêm nhiệm…

Tuấn Minh
.
.
.