“Tâm thư” xúc động của học sinh về cuộc chiến bảo vệ gấu

Thứ Bảy, 16/11/2019, 00:10
Những “tâm thư” được các em viết gửi đến chủ gấu đều thể hiện mong muốn cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ.


Hơn 97.000 bức thư kêu gọi, chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật của các em học sinh trên mọi miền đất nước gửi về Ban tổ chức cuộc thi viết thư cho chủ gấu “Hãy cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn” sau gần 1 năm phát động, là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cuộc chiến bảo tồn động vật hoang dã không chỉ ở người lớn, mà con lay động đến tâm hồn, tình cảm chân thật của thế hệ trẻ.

Những “tâm thư” được các em viết gửi đến chủ gấu đều thể hiện mong muốn cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ.

Tại lễ trao giải cuộc thi viết thư cho chủ gấu “Hãy cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn” diễn ra vào sáng 15-11, tôi vô cùng ấn tưởng với các tác giả “nhí” đoạt giải. Những bức thư gửi cho các chủ gấu được thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau: Có bức thư là lời tâm sự của một cô con gái gửi bố là chủ nuôi gấu; có bức thư được thể hiện như một bản luận tội đanh thép mà gấu gửi đến kẻ giam cầm mình; có bức thư lại là những vần thơ chan chứa tình cảm của gấu con bị chia lìa khỏi gia đình; có bức tác giả gửi từ trong tương lai cho chính mình chứa đựng nhiều sự day dứt, ân hận…

Hai tác giả đoạt giải Nhất chụp ảnh với ông Gilbert M.Sape, đại diện Tổ chức Động vật thế giới.

Tâm thư gửi tới chủ gấu của cậu học sinh lớp 7 Trường THCS thị trấn Nhã Nam (Bắc Giang) Phan Huy Chiến đạt giải Nhất cuộc thi ở khối THCS thể hiện những suy nghĩ và tình cảm chân thật về tình yêu của cậu bé với những chú gấu bị nuôi nhốt. 

Trong thư, cậu bé đã đi hỏi bà, hỏi bố, hỏi cô giáo xem mọi người nói về vấn đề này như thế nào. Sau khi hiểu rõ về thực trạng của loài động vật hoang dã còn sót lại rất ít trong môi trường tự nhiên này, cậu bé đã truyền tải thông điệp đến chủ gấu rằng: “Ông chủ gấu kính mến! Tất cả những oán hận, tù túng rồi sẽ được loại bỏ hết, xóa hết trên khuôn mặt của những chú gấu đáng thương ấy khi chúng được các ông trả về với tự nhiên. Làm việc này không dễ dàng chút nào, vì đó là tiền của, công sức của ông với gia đình người thân nhưng nó không thể so sánh với hành động đẹp đẽ, cao thượng được đâu đúng không ông…”.

Chia sẻ với tôi về bức thư đạt giải Nhất của con, chị Nguyễn Thị Chuyền (mẹ Chiến) cho biết: “Khi nhận được điện thoại báo con đạt giải, chúng tôi vô cùng phấn khởi và bất ngờ. Con viết mấy bức thư, nhưng cuối cùng lại chọn ý tưởng đầu tiên để gửi đi dự thi”.

Theo chia sẻ của Chiến, từ nhỏ cậu bé đã là người yêu động vật, thường xuyên xem chương trình thế giới động vật trên tivi. Nhìn gấu bị nhốt trong cũi sắt, gấu con phải sống xa mẹ, bị chích hút mật, cậu bé vô cùng xót thương. Ấn tượng sâu đậm với Chiến chính là sau khi đọc câu chuyện kể về một chú gấu mẹ ở Trung Quốc đã giết gấu con rồi tự sát để phản kháng lại việc mình bị nuôi nhốt. Đó chính là động lực để cháu quyết tâm viết thư cho chủ gấu.

Ngoài đạt giải Nhất cuộc thi viết thư lần này, Chiến còn được giải Nhất và giải Ba trong cuộc thi “Tìm hiểu và sưu tập tem bưu chính” do Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2018 và cuộc thi “Vẽ tranh bảo vệ môi trường” của tỉnh Bắc Giang…

 Đặt mình vào vị trí con gái để viết thư cho bố - một chủ gấu, em Nguyễn Lan Phương, lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Sơn La đã thuyết phục bố của mình đưa gấu vào trung tâm cứu hộ để cho chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bức thư của Lan đã đạt giải Nhất trong khối THPT bởi cảm xúc chân thật, gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc.

“Em nghĩ đặt mình vào vị trí con gái sống với chủ gấu từ nhỏ để viết thư cho bố sẽ có tình cảm mãnh liệt với gấu hơn. Con gái viết thư cho bố sự thuyết phục sẽ cao hơn. Lúc viết em có tìm hiểu kỹ về thực trạng nuôi nhốt gấu và thấy xúc động với hoàn cảnh của các chú gấu. Gấu cũng giống như con người, cũng có cảm xúc và ngôi nhà riêng của chính mình. Tự do của gấu thuộc vệ mẹ thiên nhiên chứ không phải con người. Vì vậy, thông điệp mà em muốn truyền tải không chỉ cho người bố trong lá thư mà còn cho các chủ nuôi khác “mật gấu không thuộc về chúng ta mà thuộc về cơ thể gấu, gấu cần tự do”- Phương chia sẻ.

Phương cho biết, lúc viết em truyền hết cảm xúc chân thật nhất, khi nghe tin mình được giải Nhất, em khá bất ngờ và xúc động, bởi em không nghĩ bài viết lại gây rung cảm cho mọi người đến thế.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn đến động vật hoang dã. Điều này được minh chứng sau gần 1 năm phát động, đã có 97.184 bức thư đến từ 900 trường THCS và THPT trên mọi miền Tổ quốc tham dự do ENV phát động, kêu gọi các chủ gấu chấm dứt việc nuôi nhốt gấu lấy mật và chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.

Mỗi bài viết của các em đều chất chứa những cảm xúc đáng trân trọng. Các bài viết chất lượng đồng đều, rất nhiều bức thư hay và xúc động, Ban Tổ chức rất khó chọn lựa tác phẩm xuất sắc. Cuối cùng, Ban tổ chức đã lựa chọn 8 cá nhân và 2 tập thể xuất sắc để trao giải.

Bà Hà cho biết thêm, trong 15 năm qua, những nỗ lực trong việc bảo vệ gấu ở Việt Nam đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến nay, đã có 26 tỉnh, thành không còn tình trạng nuôi nhốt gấu. Năm 2019, có 31 cá thể gấu nuôi nhốt bị đưa về trung tâm cứu hộ. “Hơn 97.000 lá thư dự thi càng thể hiện cho chúng tôi niềm tin chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi gấu lấy mật trong tương lai không xa. Hy vọng tất cả chúng ta cùng chung tay bảo vệ gấu, để cho gấu có cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Hà cho biết.

Trần Hằng
.
.
.