Mô hình trường học mới VNEN: Nhiều bất cập bởi nóng vội

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:31
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức UNESCO, với nguồn vốn đầu tư 87,6 triệu USD giai đoạn 2012-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (hay còn gọi VNEN).

Từ thí điểm, dự án VNEN đã triển khai, thực hiện đại trà ở cấp tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố, với gần 1.480 trường học trong cả nước. Tuy nhiên, không chờ kết thúc dự án (tháng 5-2016), trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện không ít những bất cập, thậm chí là phản ứng của giáo viên và phụ huynh học sinh. Bởi vậy từ năm học 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT chỉ khuyến khích nơi nào có điều kiện thì tiếp tục áp dụng mô hình VNEN.

Mô hình VNEN được ngành GD&ĐT tiếp nhận từ mô hình trường học mới của Cộng hòa Columbia (một quốc gia Nam Mỹ). Đây là mô hình do bà Clara Victoria Colbert khởi xướng và phát triển ở Columbia giữa những năm 70 của thế kỷ trước.

Ưu việt lớn nhất của kiểu trường học mới này là áp dụng cho các vùng nông thôn khó khăn, có sĩ số học sinh ít trong mỗi lớp; giúp học sinh vừa học, vừa làm; học theo nhóm và tự học; khích lệ tính chủ động và sáng tạo của người học trên cơ sở tổ chức và hướng dẫn của giáo viên.

Vậy vì sao mô bình VNEN mới áp dụng ở Việt Nam một thời gian ngắn nhưng không ít giáo viên và cả phụ huynh tại khá nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… tỏ ra thiếu mặn mà, thậm chí có những phản ứng tiêu cực?

Tìm hiểu kỹ càng mới thấy có mấy nguyên do quan trọng. Trước hết, giáo viên dạy Chương trình VNEN được tập huấn, làm quen với phương pháp này quá ít (chỉ hai, ba buổi); trong khi chỉ có tài liệu hướng dẫn học của học sinh mà không có tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên.

Lớp học ở nước ngoài thường có 20 - 30 học sinh, còn ở Việt Nam học sinh đông phổ biến từ 45 – gần 60 em/lớp cho nên việc tổ chức học tổ, nhóm theo hình thức ngồi chung quanh một chiếc bàn tròn không chỉ gây bất lợi cho học sinh mà người giáo viên cũng gặp khó khăn trong triển khai tiết học, dẫn đến phần lớn giáo viên bị "cháy" giáo án.

Nội dung môn học trong mô hình NVEN mang tính thực tiễn cao, gắn với lao động sản xuất nhưng trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho chương trình này lại hết sức nghèo nàn; khiến người giáo viên khó đạt được ý đồ và hiệu quả bài học…

Trong xu thế nước ta, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chúng ta phải mở rộng học hỏi, giao lưu trên mọi lĩnh vực nhằm tiếp nhận những tinh hoa của nhân loại phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Học tập, tiếp thu, kế thừa những thành tựu của nước ngoài, trong đó có giáo dục và đào tạo là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa nhưng không có nghĩa là rập khuôn, bắt chước.

Mô hình trường học VNEN mấy năm qua cho thấy một sự nóng vội trong việc áp dụng phương thức giáo dục của nước ngoài vào nước ta. Thiếu các điều kiện "cần" và "đủ" (trường, lớp, bàn ghế, sân chơi, bãi tập, đội ngũ giáo viên) trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình VNEN nên đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Bên cạnh một số địa phương "stop" mô hình này, còn khá nhiều tỉnh, thành phố đang thực sự lúng túng trong triển khai thực hiện VNEN. Vấn đề đặt ra là Bộ GD&ĐT cần có một tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan nhằm xem tính hiệu quả cũng như các bất cập của mô hình trường học mới VNEN để vận dụng vào chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông nước ta trong thời gian tới.

Nguyễn Khôi
.
.
.