Nhiều trường đại học nêu phương án tuyển sinh 2020

Thứ Ba, 14/04/2020, 10:51
Dịch COVID-19 đã khiến học sinh cả nước phải nghỉ học dài ngày. Trong bối cảnh trên, nhiều trường đại học (ĐH) đã chủ động lên kế hoạch điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thực tế. Thậm chí, không ít trường đã chuẩn bị sẵn kịch bản để sẵn sàng ứng phó với tình huống kỳ thi THPT quốc gia 2020 có thể không diễn ra như dự kiến do dịch bệnh phức tạp, học sinh chưa thể quay lại trường học trước ngày 15/6.


Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức để tuyển sinh ĐH chỉ diễn ra chỉ trong ngày 25/7, bắt đầu từ 13 giờ. Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút. Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận. 

Về phương thức sơ tuyển, trường lựa chọn từ trên xuống dưới theo tổng điểm 3 môn cho đến khi đạt được số lượng dự thi dự kiến của từng khối ngành nhưng không quá 70% tổng chỉ tiêu của khối ngành. Nhà trường sẽ tiến hành công bố trúng tuyển, xác nhận nhập học sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và trước khi xét tuyển ĐH theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. 

Nhiều trường ĐH đã chủ động lên phương án tuyển sinh để có thể ứng phó với các tình huống bất ngờ. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Với việc tổ chức kỳ thi sát hạch riêng, nhà trường sẽ mở ra cơ hội cho các thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp với môi trường đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc xây dựng một kỳ thi xét tuyển vào ĐH riêng chính là thể hiện tính chủ động trong công tác đào tạo và giảm tính phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT Quốc gia. Đây cũng chính là một “bước đệm” cho năm sau hoặc năm sau nữa khi phương thức thi THPT quốc gia thay đổi, các trường ĐH sẽ tự tuyển sinh riêng.

PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho biết: Nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2020 thì nhà trường vẫn tổ chức xét tuyển như các năm trước. Còn nếu không thi, trường sẽ thi tuyển riêng hoặc tham gia nhóm thi tuyển chung nếu có. 

Cũng theo PGS Bùi Đức Triệu, ĐH Kinh tế quốc dân đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng từ năm 2017. Trong đó, phương án thi sẽ tổ chức tuyển sinh 2 kỳ/năm, kỳ mùa Xuân và kỳ mùa Thu với 1 bài thi kiến thức tổng hợp, môn Tiếng Anh và sơ tuyển. Tuy nhiên, ông Triệu cũng thừa nhận, cái khó cho năm nay là nếu triển khai phương án thi riêng thì chẳng khác gì “đánh úp” thí sinh nên phương án xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia vẫn là ưu tiên nhất. Trong trường hợp bất đắc dĩ, nếu Bộ GD&ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 thì nhà trường sẽ phải tổ chức tuyển sinh riêng. 

Còn theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nếu giả thiết kỳ thi THPT quốc gia 2020 không diễn ra, nhà trường sẽ chuyển sang xét tuyển học bạ và tuyển thẳng học sinh giỏi các trường THPT chuyên trên toàn quốc.

Nguồn tin từ ĐH quốc gia Hà Nội cũng cho biết, nhà trường đã lên phương án chuẩn bị mọi kịch bản ứng phó và có thể áp dụng ngay trong năm 2020 nếu cần. Trong tình huống nếu kỳ thi THPT Quốc gia 2020 không diễn ra như kế hoạch do dịch bệnh phức tạp, nhà trường với kinh nghiệm đã tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính các năm trước đây hoàn toàn có thể chủ động triển khai kỳ thi tuyển sinh trực tuyến. Nhà trường có thể triển khai thi trên máy tính tại một số địa điểm theo nhiều đợt thông qua hình thức phân tán số lượng thí sinh để hạn chế tập trung đông người; có sự giám sát y tế. 

Còn ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đã thông báo lùi kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức để tuyển sinh ĐH năm 2020 do dịch COVID-19. Theo kế hoạch trước đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 31/5 (đợt 1) và ngày 9/8 (đợt 2). 

Trường ĐH FPT cũng vừa có những thay đổi trong đề án tuyển sinh năm 2020. Điểm mới đáng chú ý nhất trong đề án tuyển sinh của nhà trường là sẽ xét tuyển dựa vào thứ hạng học sinh trên cả nước theo kết quả học tập ở bậc THPT và kết quả thi THPT quốc gia. Đặc biệt, trường chấp nhận xét tuyển và đón học sinh vào học dưới dạng sinh viên dự bị trước, sau khi bổ sung kết quả tốt nghiệp THPT thì sẽ chuyển sang chính thức.

Nhiều trường ĐH cũng đã điều chỉnh phương thức xét học bạ phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19. Thay vì xét học bạ từ 4-6 học kỳ, từ  một số trường đã điều chỉnh chỉ xét học bạ 3 kỳ, tức loại học kỳ II của lớp 12 do học kỳ này học sinh phải nghỉ học để phòng tránh dịch. 

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã công bố điều chỉnh phương thức xét tuyển học bạ bằng cách bổ sung thêm hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ. Tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên đều có thể tham gia xét tuyển. 

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng bổ sung phương thức xét học bạ bằng tổng điểm trung bình 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I lớp 12) nếu đạt từ 30 điểm trở lên. Việc điều chỉnh này cũng được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang áp dụng. Theo lý giải của các nhà trường, đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày. 

Thực tế cho thấy, nếu xét về kiến thức thì kỳ II lớp 12 cũng rất quan trọng, xét tuyển bằng học bạ mà bỏ qua điểm học kỳ II chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả toàn diện. Tuy nhiên, việc này có thể chấp nhận được vì 5/6 học kỳ là tỷ lệ khá cao để đánh giá năng lực của học sinh.

Huyền Thanh
.
.
.