Nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông

Thứ Năm, 18/01/2018, 08:44
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là lần đầu tiên sẽ xuất hiện một số môn học và hoạt động giáo dục mới, nhiều môn học được thiết kế lại theo hướng tích hợp liên môn ở cấp thấp và phân hóa ở các bậc học cao hơn. 

Bên cạnh đó, hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục cũng được tổ chức thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) với các yêu cầu bắt buộc và tự chọn.

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục Khoa học xã hội (KHXH) được thực hiện ở nhiều môn học, trong đó các môn học cốt lõi là: Tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3), Lịch sử và Địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), Lịch sử, Địa lý (cấp trung học phổ thông). Nội dung giáo dục KHXH cũng được phân chia theo hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục hướng nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 

Sẽ đưa hoạt động giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giáo dục KHXH được thực hiện trong các môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Ở các lớp 1, 2, 3, nội dung giáo dục KHXH được thực hiện qua môn học Tự nhiên và Xã hội; lên các lớp 4, 5, môn Tự nhiên và Xã hội tách thành hai môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học. 

Ở cấp THCS, giáo dục KHXH được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý. Các mạch kiến thức của Lịch sử và Địa lý được sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. 

Ở cấp trung học phổ thông (THPT), giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử, Địa lý được phân hóa thành hai môn độc lập nhưng không còn là môn học bắt buộc mà được tự chọn theo định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Giáo dục Khoa học tự nhiên (KHTN) cũng được thực hiện trong nhiều môn học, cốt lõi là các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3), Khoa học (lớp 4 và lớp 5), Khoa học tự nhiên (trung học cơ sở), Vật lý, Hóa học, Sinh học (trung học phổ thông). 

Ở giai đoạn tiểu học, chương trình giáo dục KHTN tiếp cận một cách đơn giản một số sự vật, hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giúp người học có các nhận thức bước đầu về thế giới tự nhiên. Ở cấp THCS, nội dung giáo dục KHTN tích hợp các kiến thức, kỹ năng về Vật lý, Hóa học và Sinh học. Các nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp một số kiến thức đồng tâm. 

Ở giai đoạn THPT, giáo dục KHTN trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp được phân hóa thành các môn học Vật lý, Hóa học và Sinh học ở cả ba lớp 10, 11 và 12 và là môn tự chọn để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

Bên cạnh KHTN và KHXH, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục công nghệ cũng sẽ được thực hiện theo hướng tích hợp thông qua nhiều môn học, trong đó cốt lõi là phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ (ở các lớp 3, 4, 5) và môn Công nghệ ở cấp THCS và THPT.

Ở tiểu học, học sinh được khám phá thế giới kỹ thuật, công nghệ thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà. Ở cấp THCS, học sinh được trang bị những tri thức về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lý cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; hiểu biết ban đầu về tư duy thiết kế. 

Ở cấp THPT, lớp 10, giáo dục công nghệ trang bị cho học sinh những hiểu biết tổng quan và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ. Ở lớp 11 và lớp 12, giáo dục công nghệ được thiết kế thành hai nhánh riêng biệt gồm Công nghệ định hướng công nghiệp và Công nghệ định hướng nông, lâm, ngư nghiệp. 

Tương tự, giáo dục nghệ thuật, một môn học mới trong dự thảo chương trình cũng được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là các phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Ngoài các môn học được tổ chức theo hướng tích hợp liên môn và phân hóa như KHTN, KHXH, Công nghệ và Nghệ thuật, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới còn có sự xuất hiện của một số hoạt động giáo dục mới như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục địa phương.

Huyền Thanh
.
.
.