Ngôi trường "đặc biệt" sở hữu 238 huy chương Olympic khu vực và thế giới
- Ngôi trường được Microsoft ghi danh
- Chuyện về ngôi trường có 4 học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế
Tôi gọi đó là ngôi trường “đặc biệt” bởi nơi đây đang “sở hữu” một bộ sưu tập huy chương Olympic quốc tế nhiều nhất cả nước. Đến nay, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã giành 238 huy chương các loại tại đấu trường khu vực và quốc tế, trong đó có 198 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế với 58 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc và 68 huy chương Đồng.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam lừng danh như Giáo sư Đàm Thanh Sơn, đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984, nay là Giáo sư Vật lý tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ); Giáo sư Ngô Bảo Châu, đoạt huy chương vàng Olympic Toán các năm 1988 và 1989, Giải thưởng Fields năm 2010…, cũng đã học tập, nuôi khát vọng chinh phục đỉnh cao khoa học tại ngôi trường “đặc biệt” này.
Năm 2018 là năm bội thu huy chương của học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên với 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học năm 2018. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo là thí sinh đạt số điểm cao nhất của kỳ thi Olympic Sinh học lần thứ 29 được tổ chức tại Iran.
Nhiều lần bước chân vào khuôn viên nhỏ bé của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, tôi luôn ngạc nhiên vì điều kiện dạy và học của ngôi trường này còn rất khiêm tốn, giản dị. Cách đây vài năm, nhà trường mới được Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư xây thêm hai khu nhà, còn trước đó, thầy trò chỉ học tập, rèn luyện trong khuôn viên nhỏ hẹp này.
Phòng thí nghiệm của nhà trường – theo đánh giá của thầy hiệu trưởng Lê Công Lợi là “chưa đáp ứng được yêu cầu”, thiếu mặt bằng, thiếu dụng cụ thực nghiệm, học sinh vẫn chủ yếu “học chay” và “học ảo trên các trang mạng”. Vậy điều “đặc biệt” nào khiến thầy và trò của trường làm được nhiều “kỳ tích” và một “thương hiệu” khác biệt trong hệ thống các trường chuyên phổ thông?
Thầy hiệu trưởng Lê Công Lợi tâm sự, với quá trình tuyển chọn đầu vào chặt chẽ và khắt khe, có thể nói là “khó nhất” so với các trường chuyên, nhà trường được hai điều cơ bản. Đó là thầy giỏi và trò giỏi. Nhưng điều quan trọng nhất, làm cho quá trình đào tạo của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên “khác biệt” chính là “sự tự do trong học thuật”. “Tự do trong học thuật” ở đây có thể hiểu là thầy đưa ra vấn đề, gợi mở, và trò là người giải quyết vấn đề.
Trong lớp không khí đối thoại, phản biện được đề cao, thầy trò rất “gần nhau”; ý kiến của học trò được thầy tôn trọng tuyệt đối. Thậm chí, theo chia sẻ của thầy Lê Công Lợi, “có những buổi lên lớp làm tôi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng sức sáng tạo vô hạn của học trò. Qua đó, tôi càng nhận ra rằng, là một nhà sư phạm giỏi thì phải biết khơi dậy cảm hứng cho học trò”.
Thầy trò Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên chúc mừng em Nguyễn Phương Thảo, huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế 2018 với số điểm cao nhất. |
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên bắt đầu từ “Lớp chuyên Toán A0”, cũng là lớp năng khiếu đầu tiên trong cả nước. Năm 1962, Giáo sư Lê Văn Thiêm - Phó Hiệu trưởng, Giáo sư Hoàng Tụy - Chủ nhiệm Khoa Toán (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) trên cơ sở tham khảo cách làm của Liên Xô đã có ý định mở lớp đào tạo học sinh năng khiếu Toán.
Lúc đó Giáo sư Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp rất tâm đắc với ý tưởng này nên đã nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện để tờ trình xin mở “Lớp Toán đặc biệt” nhanh chóng được đệ trình lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ngày 14-9-1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra cam go khốc liệt ở cả 2 miền Nam - Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra quyết định cho mở “Lớp Toán đặc biệt” (sau được đổi thành "Lớp Toán dự bị" rồi "Lớp Chuyên toán" tại Khoa Toán), Trường Đại học Tổng hợp. Như vậy, Khóa I của hệ Phổ thông chuyên Toán đã ra đời.
“Lớp Toán đặc biệt” sau khi ra đời đã thu hút những học sinh ưu tú và cho “ra lò những sản phẩm chất lượng cao”, là nhiều nhà toán học, nhà khoa học xuất sắc như: Trần Văn Nhung, Hoàng Văn Kiếm, Nguyễn Nam Hồng, Nguyễn Đình Bạn, Nguyễn Hồng Hải, Vũ Thế Bình, Đỗ Thanh Sơn. “Chất A0” của “lớp chuyên Toán” thuở ban đầu ấy, sau hơn 50 năm vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ.
Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, cựu học sinh chuyên Toán A0 Khóa I luôn bồi hồi khi nhớ lại các tiết học của Giáo sư Hoàng Tụy đã khiến cho ông cảm giác như đang được “xem trò ảo thuật”.
Ông kể: “Thầy dạy cho chúng tôi những khái niệm đầu tiên về lôgic toán, toán học hữu hạn và lý thuyết đồ thị. Mặc dù thầy dạy cho chúng tôi không nhiều, vì với cương vị Chủ nhiệm khoa, thầy rất bận, nhưng ấn tượng về những bài giảng của thầy trong tôi vẫn còn rất sâu đậm, sau hơn nửa thế kỷ. Cái bảng đen rất nhỏ, nhưng vẫn đủ để cả buổi học thầy viết trên đó mà không cần xóa bảng. Đúng là thầy có nghệ thuật sử dụng và trình bày trên bảng một cách tối ưu! Đôi mắt sáng của thầy luôn hướng về phía học trò khi nêu vấn đề, khi đặt câu hỏi, khi gợi ý và khi khuyến khích, động viên chúng tôi.
Thầy chú ý dạy học trò hiểu được xuất xứ, bản chất và các mối liên quan của vấn đề. Cách dạy của thầy độc đáo và cuốn hút, không sa vào các công thức và kỹ thuật. Nhiều đồng nghiệp cũng nhất trí với tôi rằng Giáo sư Hoàng Tụy là một trong những nhà toán học và nhà sư phạm xuất sắc”.
Tôi còn nhớ trong một lần phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Lê Minh – học sinh của “lớp chuyên Toán Đại học Tổng hợp” và là học sinh đầu tiên của Việt Nam mang huy chương vàng Toán quốc tế về cho đất nước năm 1974 tại Cộng hòa dân chủ Đức, khi nhắc về “chất chuyên Toán A0”, đôi mắt anh lấp lánh tự hào: “Hồi đó, mỗi ngày đến trường với tôi đúng là một ngày vui. Giáo dục thì bình đẳng, lớp học là một cộng đồng tập thể đoàn kết và đầy sáng tạo học tập. Vui nhất là những giờ giải toán, thầy ra đề khó, trò ở dưới cặm cụi tìm lời giải đẹp. Trò nào giải được lời giải hay nhất thì cả lớp đứng dậy vỗ tay cổ vũ như cổ vũ nghệ sỹ trên sân khấu. Ai cũng khao khát có được lời giải đẹp nhất”.
Sự kiện Hoàng Lê Minh đoạt huy chương vàng năm 1974 đã mở ra một giai đoạn với những thành tích rực rỡ trong các kỳ Olympic của khối chuyên Toán nói riêng và học sinh cả nước nói chung, chứng minh được hướng đi đúng đắn và tầm nhìn xa của Đảng, Chính phủ khi phát triển khối chuyên Toán “đặc biệt”. Sau Hoàng Lê Minh, những học sinh ưu tú của Khối chuyên Toán A0 Đại học Tổng hợp đã lần lượt viết tên mình vào “bảng vàng Olympic Toán học quốc tế”. Đó là Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo, đều hai năm liền đạt huy chương vàng. Có những học sinh đã đạt điểm tuyệt đối 42/42 như Đỗ Quốc Anh.
Từ thành công của khối chuyên Toán, các khối chuyên khác lần lượt được thành lập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sau này. Đến năm 1997, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã có 5 khối THPT chuyên thuộc các khoa Toán – Cơ – Tin học, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Năm 2005, Khối chuyên Toán - Tin đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Đến năm 2010, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập trên cơ sở thống nhất các Bộ môn THPT chuyên của trường. Nhiều học sinh chuyên Lý tham dự Olympic Vật lý quốc tế hai lần (năm lớp 11 và lớp 12) như: Trần Thế Trung, Nguyễn Đức Trung Kiên, Bùi Văn Điệp, Đặng Ngọc Dương, Đỗ Hoàng Anh.
Các học sinh Khối chuyên Toán - Tin đã mang về cho đất nước 36 huy chương trong các kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. Khối chuyên trẻ nhất trong Trường THPT chuyên KHTN là chuyên Sinh học, được thành lập năm 1998 cũng đã mang về 11 huy chương Olympic Sinh học quốc tế. Đây là những minh chứng thuyết phục nhất cho thấy thành công đặc biệt của mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước của Đại học Quốc gia Hà Nội.