Nâng cấp trường đại học cần lưu ý tính hiệu quả, không gây tốn kém ngân sách

Thứ Ba, 17/12/2019, 07:47
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, việc thành lập, phát triển trường ĐH thành ĐH, phát triển khoa thành trường ĐH trực thuộc ĐH, đã được quy định tại Luật số 34. Tuy nhiên, khi thực hiện phải lưu ý tính hiệu quả, không để tốn kém ngân sách, và hướng đến chất lượng.


Cả nước hiện chỉ có 5 đại học (ĐH) gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học số 34 với những quy định mới về thành lập, đổi tên trường, nhiều trường ĐH lớn đã dự kiến và chuẩn bị lộ trình nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH, nâng cấp khoa thành trường ĐH và trường trực thuộc.

Tuy nhiên theo ý kiến một số chuyên gia giáo dục, không hẳn cứ nâng cấp là thành một cơ sở qui mô, có chất lượng. Nếu không nghiên cứu kỹ trước khi làm, nguy cơ gây tốn kém ngân sách, khó hoạt động, và còn gây thêm việc cồng kềnh cho bộ máy.

Các trường hiện nay đang chờ khi có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số Giáo dục đại học 34, sẽ thực hiện kế hoạch đã đề ra cho việc nâng cấp. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh là một trong những trường đầu tiên có ý định “nâng cấp” từ Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sang ĐH ngay từ khi bắt đầu lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục Đại học năm 2012.

Đại diện nhà trường cho biết, sau khi có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34, trường sẽ tiến hành. Theo quy định, để nâng cấp thành ĐH, trước hết trường phải phát triển các khoa hiện nay thành các trường ĐH trực thuộc.

Ngoài ra, trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh theo dự kiến, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường sẽ theo 3 cấp: trường ĐH, College (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp; Trường Công nghệ; Trường Kinh tế và Phát triển; Trường Khoa học. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng có đề án thành lập 2 trường trực thuộc gồm Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý về chủ trương.

Nâng cấp trường đại học đồng nghĩa phải có lộ trình rõ ràng để nâng cao chất lượng đào tạo. (Hình minh họa).

Theo Điều 4 của Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 đã quy định, điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH như sau: trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập (có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận). Sau khi đáp ứng những quy định này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trường hợp thành lập trường thuộc trường ĐH phải có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên. Hội đồng trường hoặc hội đồng ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc trường ĐH.

Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, việc thành lập, phát triển trường ĐH thành ĐH, phát triển khoa thành trường ĐH trực thuộc ĐH, đã được quy định tại Luật số 34. Tuy nhiên, khi thực hiện phải lưu ý tính hiệu quả, không để tốn kém ngân sách, và hướng đến chất lượng.

Với các trường ĐH ngoài công lập, dù có quy định nhưng đa phần chưa quan tâm đến vấn đề nâng cấp, phát triển thành ĐH, hay phát triển khoa thành trường ĐH.

Theo lý giải của các trường, thực tế hiện nay có nhiều trường ĐH cùng một nhà đầu tư nên chưa có chủ trương liên kết để phát triển thành ĐH. Bởi lẽ, vấn đề quan trọng nhất chính là tính hiệu quả, kết quả quản trị chứ không phải phát sinh thêm để tốn thêm chi phí mà tính hiệu quả lại thấp. Trong khi đó, với các trường công lập đã có đề án, chủ trương phát triển thành ĐH, nâng cấp khoa thành trường trực thuộc, nhiều ý kiến cho rằng, chưa hẳn để hướng đến phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới, mà mục tiêu là… có thêm ngân sách!

Theo Luật số 34, trường ĐH, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này. ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, đơn vị thành viên là trường ĐH, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân do Thủ tướng Chính phủ thành lập; trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục ĐH, do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ.

Thống kê cũng cho biết, chỉ trong một giai đoạn từ 1998 – 2009,  có đến 312 trường CĐ, ĐH được nâng cấp, thành lập mới trên cả nước. Đây có thể được coi là giai đoạn bùng phát số lượng trường ĐH, CĐ của cả nước. Quy mô tăng nhanh nhưng các điều kiện cơ bản như CSVC, đội ngũ giảng viên, giáo trình… lại không theo kịp, dẫn đến không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Một thực trạng đang diễn ra đó là rất nhiều các trường ĐH thuộc các tỉnh, thành phố được nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm nhưng công tác tuyển sinh rất “bết bát”, mặc dù đã sử dụng triệt để các phương án tuyển sinh. Năm 2019, hàng loạt ngành ở nhiều trường ĐH tỉnh có nguy cơ phải đóng cửa vì không có người học. Trong đó nguyên nhân chính yếu do tình trạng đua nhau thành lập, nâng cấp trường.

Khi đua nhau mở trường, nâng cấp trường do thiếu khảo sát kỹ càng về nhu cầu thực tế và nguồn nhân lực có kỹ năng nên dẫn tới việc  thiếu uy tín, thí sinh không chọn để thi vào trường. Đơn cử về trường hợp của trường ĐH An Giang được nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm (từ năm 1999). Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại.

Trường này hiện có 858 cán bộ nhân viên, trong đó cán bộ giảng dạy gần 600, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên gần 70%. Trước thực trạng này, trường đã xin chuyển và trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo…

Một thực tế là các trường ĐH tỉnh nâng cấp hiện nay sống dựa vào nguồn ngân sách địa phương nên khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của trường. Một khi kinh phí eo hẹp thì không thể thu hút được nhân sự giỏi, lại càng khó để đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, khi nâng cấp lên ĐH, tại nhiều tỉnh đều gặp rất nhiều khó khăn như: địa phương không thể lo ngân sách, hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển và theo học...

H.Nga-H.Thanh
.
.
.