Năm 2017, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng để tránh việc quay cóp

Thứ Tư, 07/09/2016, 19:00
Năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát. Điều này sẽ khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi và tình trạng học lệch của học sinh.



Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đổi mới thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH và CĐ. Dự kiến, Bộ sẽ công bố phương án thi trước ngày 10-9 để học sinh yên tâm học tập, ôn luyện.

Theo dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, từ năm 2017 phương án thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ giao về cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như năm 2016. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Tuy nhiên, theo lộ trình đến năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của trường ĐH, CĐ sẽ không còn.

Kỳ thi sẽ chỉ do sở GD&ĐT chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức khảo thí độc lập. Bên cạnh đó, dự thảo cũng nói rõ,  phương án thi năm 2017 là tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. 

Năm 2017, trừ Ngữ văn, tất cả các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm

Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Trừ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. 

Đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút. Mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ được cấp một mã đề thi riêng để tránh trường hợp quay cóp.

Về xét tuyển, ĐH và CĐ chính quy, theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, từ năm 2017 các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức sau:

Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT (1); Dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia (2); Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (3); Xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác (4). Những trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp cho các ngành nghề đào tạo của trường mình có thể sử dụng phương thức 3.

Các trường cũng có thể tự tổ chức thi hoặc thành lập nhóm trường để tổ chức thi. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường tự tổ chức thi phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả thi THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Năm tới, Bộ sẽ mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát. Điều này sẽ khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi và tình trạng học lệch của học sinh.

Huyền Thanh
.
.
.