Chưa khai giảng, phụ huynh đã “méo mặt” với các khoản thu tự nguyện

Thứ Sáu, 01/09/2017, 09:35
Chị Mai Lâm, phụ huynh có con bắt đầu vào lớp 1 cho biết: Mặc dù nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm học nhưng đã được thông báo sẽ phải đóng tiền mua điều hòa và máy chiếu là 750.000 đồng. Với lớp học có tới 50 cháu, số tiền mà nhà trường thu về là không hề nhỏ.


Năm học mới 2017-2018 sẽ chính thức bắt đầu ngay sau lễ khai giảng sẽ được tổ chức vào ngày 5-9 tới. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có một số ít trường triển khai họp phụ huynh và thông báo thu phí đầu năm, còn lại đa số đợi 1-2 tuần lễ cho học sinh ổn định mới tiến hành thu. 

Tuy nhiên, ghi nhận ban đầu cho thấy, các khoản phụ thu khiến phụ huynh bức xúc từ năm này sang năm khác vẫn là lắp điều hòa, mua máy chiếu và rất nhiều các khoản đóng góp tự nguyện khác.

Ngoài học phí là khoản thu theo quy định, trong trường học hiện nay còn có hai loại khoản thu khác là thu thỏa thuận (tiền ăn, bán trú, nước uống, đồng phục, dạy - học thêm...) và thu tự nguyện (mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, sửa chữa, trang trí trường, lớp...). Các khoản thu thỏa thuận được cho là phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh nên không nhiều phụ huynh phản đối. Gây tranh cãi nhất trong nhiều năm học qua vẫn là khoản đóng góp tự nguyện. 

Chị Mai Lâm, phụ huynh có con bắt đầu vào lớp 1 trường Tiểu học HD, Hà Nội cho biết: Mặc dù nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm học nhưng đã được thông báo sẽ phải đóng tiền mua điều hòa và máy chiếu là 750.000 đồng. Với lớp học có tới 50 cháu, số tiền mà nhà trường thu về là không hề nhỏ. 

Hàng loạt các khoản thu mang tên tự nguyện đang là nỗi lo của phụ huynh trước thềm năm học mới. Ảnh minh họa

“Con gái lớn của tôi cũng vừa học hết lớp 5 tại trường này và khi học xong các lớp đều để lại máy chiếu và điều hòa cũ. Vậy tại sao trường không sử dụng điều hòa và máy chiếu này luôn mà vẫn yêu cầu đóng mới” - chị Lâm thắc mắc. 

Không chỉ lớp đầu cấp, nhiều trường thu cả những học sinh lớp 9. Chị Trâm Anh - phụ huynh học sinh Trường THCS Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tưởng đầu cấp học sinh mới phải đóng, đây con tôi năm nay đã vào lớp 9 nhà trường vẫn yêu cầu đóng 500.000 đồng/học sinh để mua điều hòa. Trong khi, các cháu chỉ còn học vài tháng”.

Năm nay, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thông báo không yêu cầu học sinh phải mua đồng phục mới nên chị Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xin cho con bộ đồng phục của các bạn đã ra trường vì nghĩ rằng sẽ tiết kiệm được một khoản nhất định. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng, chị Hương đã nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm là năm nay nhà trường sẽ đổi mẫu đồng phục nên yêu cầu phụ huynh đăng ký. 

“Đây liệu có phải là cách lách luật hay không khi bỗng nhiên nhà trường lại đổi mẫu đồng phục?” - chị Hương đặt câu hỏi. 

Chị Phan Thu Hải, phụ huynh có con học lớp 3 tại trường Tiểu học Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng cho rằng: “Thời buổi kinh tế thị trường nên các nhà trường hiện nay đều có tư duy làm kinh tế khi cung ứng trọn gói tất cả các dịch vụ thiết yếu. Vào năm học, học sinh chỉ việc đến học thôi, mọi việc còn lại đều đã có nhà trường lo. Từ đồng phục, sách giáo khoa, giấy kiểm tra, vở viết... đều “đồng phục”, tất nhiên là với mức giá cao hơn so với giá thị trường”.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng phản ánh vô vàn các khoản thu tự nguyện trái khoáy khác như tiền vệ sinh, bảo vệ trường, tiền nước uống, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội phụ huynh lớp, tiền quỹ hội phụ huynh trường… đấy là các khoản cứng đầu năm. 

Suốt năm học, phụ huynh còn phải đóng thêm nhiều khoản khác thu lẻ tẻ như hỗ trợ phòng tin học, tiền văn nghệ, thể thao, mua thêm quạt, sơn lại lớp, đóng thêm bàn ghế do bàn ghế cũ hỏng, mắc lại điện, bóng đèn, mua thêm chậu nước, bút viết bảng, sổ liên lạc điện tử… 

Thậm chí, nhiều trường còn thu thêm những khoản tưởng như chẳng mấy liên quan đến học sinh như tiền thưởng nóng, tiền mua loa đài cho trường, tiền hỗ trợ mái che nhà xe giáo viên.

Thực tế cho thấy, mặc dù các khoản tự nguyện thường được hiểu là có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, việc đóng góp phải thực sự tùy tâm. Tuy nhiên, việc đóng góp tự nguyện trong nhà trường hiện nay hầu như đều đưa ra sẵn “mức sàn”, dù muốn hay không, phụ huynh cũng phải đóng ít nhất theo “sàn” đã định. 

“Con tôi năm nay cũng vào lớp 1. Nhà trường có giấy đóng phí tự nguyện ủng hộ trường. Nói là tự nguyện mà theo yêu cầu của cô giáo là mỗi cháu ít nhất 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, các khoản xây dựng trường, lắp điều hòa, vẫn phải đóng đầy đủ” - một phụ huynh có con học lớp 1 tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết. 

Cũng theo phụ huynh này, năm nay, cả Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đều có văn bản yêu cầu các trường không được thu các khoản “ngoài luồng” và không được thu dồn dập vào đầu năm học nên chắc chắn các trường sẽ tìm cách “lách” bằng cách thu ít vào đầu năm, sau đó sẽ thu rải rác vào các đợt khác nhau.

Sẽ tập trung thanh tra việc thu chi các khoản phí đầu năm học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Văn bản hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT căn cứ vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định. 

Trước mắt, cần tập trung thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, trong đó đặc biệt quan tâm thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. 

Việc thanh tra về thu chi cần bám sát tinh thần Công văn số 2794 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Chánh Thanh tra Sở báo cáo kết quả thanh tra đầu năm học gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 30-9. (PV)

Sẽ tập trung thanh tra việc thu chi các khoản phí đầu năm học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Văn bản hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT căn cứ vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định. 

Trước mắt, cần tập trung thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, trong đó đặc biệt quan tâm thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. 

Việc thanh tra về thu chi cần bám sát tinh thần Công văn số 2794 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Chánh Thanh tra Sở báo cáo kết quả thanh tra đầu năm học gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 30-9. (PV)

Sẽ tập trung thanh tra việc thu chi các khoản phí đầu năm học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Văn bản hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT căn cứ vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định. 

Trước mắt, cần tập trung thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, trong đó đặc biệt quan tâm thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. 

Việc thanh tra về thu chi cần bám sát tinh thần Công văn số 2794 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Chánh Thanh tra Sở báo cáo kết quả thanh tra đầu năm học gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 30-9. (PV)

Huyền Thanh
.
.
.