Lo ngại học sinh không có đủ thời gian khi đề thi tổ hợp quá dài

Thứ Bảy, 08/10/2016, 08:53
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá của giáo viên phổ thông. Trong đó, bên cạnh những ưu điểm của đề thi, các giáo viên cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm mà đề thi cần điều chỉnh.

Nhận định về đề thi trắc nghiệm môn Toán, thầy giáo Nguyễn Quốc Chí, giáo viên Trung tâm Tuyensinh247.com cho biết: Toàn bộ kiến thức trong đề thi chỉ gọn trong kiến thức lớp 12 (khác xa với truyền thống thi từ rất nhiều năm nay là đủ 3 khối 10, 11, 12). Có lẽ do năm đầu chuyển sang thi trắc nghiệm nên Bộ Giáo dục lo học sinh không kịp thích ứng từ những năm học trước.

Cũng theo thầy Chí, các nội dung trong chương trình 12 được chia rải đều, hỏi rất chi tiết, sâu sắc với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau. Đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luận, khi chúng ta đều biết hình thức tự luận hơi mang thiên hướng học tủ. Nhưng trắc nghiệm năm nay của Bộ thì hoàn toàn xóa bỏ hình thức học tủ vốn tồn tại lâu nay.

Thầy Chí cho rằng, có rất nhiều dạng bài mới chưa từng xuất hiện trong các đề thi năm trước, hay là sự xuất hiện thêm của các câu mang tính lý thuyết. Cụ thể, đã có sự kết hợp giữa những bài toán Đại số và Hình học chỉ trong 1 câu hỏi. Đặc biệt có những bài toán mang tính thực tế như: Tính lãi suất, tính vận tốc… rất hay.

Để làm tốt đề thi năm nay, theo thầy Chí học sinh phải học rất chắc kiến thức, học rộng nhưng không cần ôn phần quá khó. Bên cạnh đó kĩ năng làm nhanh, sử dụng máy tính cầm tay thành thạo là kỹ năng cần thiết.

“Với việc ra đề thi minh họa sớm, hi vọng các em học sinh sẽ có đủ thời gian để ôn tập tốt, đạt kết quả như mong muốn tại kì thi THPT quốc gia năm 2017 này”, thầy Chí cho hay.

Đánh giá cao những điểm đổi mới của đề thi trắc nghiệm môn Toán so với đề thi truyền thống, đặc biệt là sự xuất hiện của một số dạng đề mới, mang tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng chỉ ra những nhược điểm của đề Toán. Đó là đề quá dài và mất thời gian tính toán nhiều.

“Thời gian làm bài chỉ trong 90 phút, nhưng chỉ có khoảng 1/5 câu hỏi ra đáp án nhanh. Còn lại là phần lớn câu hỏi phải mất nhiều thời gian tính toán, thậm chí là tính toán phức tạp như bài khối xoay, bài mặt phẳng cách đều 4 mặt... Với đề này, dù nắm vững kiến thức cơ bản nhưng tâm lý không vững, kỹ năng tính toán không tốt, thí sinh rất dễ thiếu thời gian, mất tinh thần khi không thể giải quyết hết khối lượng câu hỏi đặt ra", thầy Tùng cho biết.

Nhiều giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn về việc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên có quá nhiều câu hỏi, có thể tạo tâm lý mệt mỏi cho thí sinh dẫn đến hiệu quả làm bài không tốt. Theo thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), trong tổ hợp môn tự nhiên và xã hội, mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Như vậy, bài thi tổ hợp có tới 120 câu và thời gian làm bài chỉ 150 phút là quá áp lực, căng thẳng cho học sinh.

Nhiều giáo viên lo ngại số lượng câu hỏi trong đề thi tổ hợp quá dài sẽ dễ tạo cho thí sinh mệt mỏi vì không đủ thời gian xử lý.

“Nếu đọc cho được 120 câu hỏi, mỗi câu lại có 4 phương án thì nhiều khả năng là chỉ những câu đầu thí sinh làm bài tốt, những câu sau khi bắt đầu mệt mỏi rồi thì chất lượng làm bài sẽ không cao. Bộ GD&ĐT nên xem xét lại số câu hỏi trong mỗi bài thi”, thầy Hiếu đề xuất.

Nhận xét cụ thể hơn về đề thi môn Lịch sử, thầy Hiếu cho rằng: Đề thi môn Lịch sử có 40 câu với thời lượng 50 phút. Như vậy, trung bình mỗi câu hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết trong 1,25 phút. Đề thi này nếu được sử dụng để đánh giá tốt nghiệp sẽ giúp cho nhiều người có trách nhiệm yên tâm vì hạn chế được hiện tượng “hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử” vốn đã từng liên tiếp xảy ra trong nhiều năm gần đây. Học sinh chỉ cần có trí nhớ tốt và ôn tập bám sát nội dung sách giáo khoa theo phương thức luyện đi luyện lại sẽ làm bài tốt. Đề thi không khó cộng với hình thức thi trắc nghiệm khả năng sẽ cho nhiều bài thi đạt điểm tối đa.

Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng cho rằng: Nếu như dựa vào kết quả bài thi này để tuyển lấy sinh viên vào những ngành học cần đến tư duy lịch sử thì kết quả sẽ rất hạn chế vì đề thi ít khả năng đo được năng lực sử học của học sinh. Đề thi cũng chưa phản ánh được xu thế cần đổi mới của giáo dục lịch sử theo hướng hòa nhập với thế giới. Vì thế khả năng tạo ra hiệu ứng kích thích những thay đổi trong việc giảng dạy lịch sử hiện đang có quá nhiều bất cập hiện nay còn chưa thấy rõ.

Huyền Thanh
.
.
.