Mấu chốt của thi trắc nghiệm là đề thi cần phải chuẩn

Thứ Hai, 19/09/2016, 10:32
Bộ GD&ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia năm 2017. Đáng chú ý nhất trong dự thảo là ngoại trừ môn Ngữ văn, tất cả các môn thi còn lại đều được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Việc thi theo hình thức mới với nhiều môn học, trong đó có Toán và Lịch sử được ra theo hình thức thi trắc nghiệm khi chỉ có gần 10 tháng nữa diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia đã khiến dư luận bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề này.

PV: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ chuyển một số môn từ thi tự luận sang trắc nghiệm ngay trong năm 2017 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc dạy và học của giáo viên-học sinh, thưa bà?

PGS Nguyễn Phương Nga: Dạng thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) với 4 lựa chọn và 1 phương án đúng duy nhất không phải xa lạ đối với thầy cô giáo và học sinh THPT, vì trên 10 năm nay tất cả đã làm quen với thi TNKQ ở các môn thi như Ngoại ngữ, Lý, Hóa và Sinh.

Các học giả về khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục và các trung tâm khảo thí của các nước tiên tiến trên thế giới bằng kết quả thi TNKQ đã chứng minh dạng thức thi tự luận hay TNKQ đều không ảnh hưởng đến việc dạy và học. Bởi vì tất cả các đề thi phải được xây dựng dựa trên mục tiêu thi của chương trình (learning objectives) và chuẩn đầu ra (learning outcomes), tức là các đề thi phải bám sát mục tiêu học tập để nắm bắt được các kiến thức và kỹ năng trong chương trình học.

Giáo viên dạy và học sinh học đúng chương trình, không cắt xén, không ôn tủ học lệch, với các đề thi được chuẩn hóa, giáo viên và học sinh sẽ không phải lo lắng về việc dạy và học phải thay đổi hoặc bị ảnh hưởng bởi các đề thi trắc nghiệm KQ.

PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục.

PV: Hiện có ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm, nhất là môn Toán với một số lượng câu hỏi nhỏ sẽ không đánh giá được đầy đủ năng lực của học sinh, thậm chí còn triệt tiêu cả tư duy logic và sáng tạo của người học. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực đo lường, đánh giá, bà nghĩ sao về vấn đề này?

PGS Nguyễn Phương Nga: Các học giả về đo lường đánh giá trên thế giới đều khẳng định: Cả TNKQ và tự luận đều đánh giá được năng lực tư duy logic của học sinh. Tuy nhiên, ở cả hai dạng thức thi này, nhược điểm có thể bị tăng lên hoặc ưu điểm bị biến thành nhược điểm do chính người biên soạn đề thi tạo ra.

Ra đề thi TNKQ đạt chất lượng để đánh giá được năng lực lập luận, phân tích và tư duy logic khó hơn rất nhiều so với ra đề thi tự luận. Thực tiễn giáo dục Việt Nam đã cho thấy có những đề thi tự luận của chúng ta chỉ đánh giá khả năng ghi nhớ hoặc học thuộc lòng của học sinh, dẫn đến HS mang “phao” vào phòng thi để quay cóp. Thi TNKQ môn Toán là dạng thức thi phổ biến khá lâu đời ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia…

 Dạng thức thi này được sử dụng ở các kỳ thi trên diện rộng cho một lượng rất lớn các thí sinh. Các kết quả nghiên cứu của các trung tâm khảo thí ở các nước này đã chứng minh TNKQ môn Toán hoàn toàn đánh giá được năng lực lập luận và tư duy logic của thí sinh. Môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đòi hỏi tất cả các thí sinh phải có sự sáng tạo.

Và không phải tất cả học sinh sẽ chọn ngành Toán khi đăng ký vào đại học, cao đẳng. Vì thế, tôi chắc chắn rằng, thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT năm 2017, trong đó có môn Toán hoàn toàn phù hợp để đánh giá những kiến thức và kỹ năng cơ bản học sinh học trong chương trình lớp 12.

PV: Tạm cho là thi TNKQ được đánh giá là có nhiều ưu điểm, nhất là đối với kỳ thi mang tính chất kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh như thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, nếu áp dụng ngay trong năm 2017 sẽ khiến giáo viên và học sinh bị động và rơi vào tình thế “trở tay không kịp”?

PGS Nguyễn Phương Nga: Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ có các đề thi minh họa. Kiến thức thi chủ yếu tập trung ở lớp 12. Như vậy, chúng ta sẽ có đề thi mẫu đầu năm học, đủ thời gian để thầy/cô giáo và học sinh làm quen, ôn luyện về dạng thức thi.

Khi đã có cấu trúc đề thi và dạng thức thi, 1 năm học sẽ đủ thời gian để giáo viên và học sinh làm quen và tập dượt thi theo hình thức TNKQ. Tôi nghĩ rằng,  cái chúng ta cần bàn lúc này chất lượng đề thi, đặc biệt là cấu trúc của đề thi sẽ có bao nhiêu % là câu hỏi dễ, bao nhiêu % là câu hỏi trung bình và bao nhiêu % là câu hỏi khó? Bởi cấu trúc này sẽ quyết định mức độ khó và khả năng phân hóa năng lực của thí sinh thành các thang bậc để các trường ĐH có thể tuyển chọn thí sinh vào ĐH.

PV: Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, đề thi trắc nghiệm năm 2017 sẽ được rút trong ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này liệu có phù hợp không khi mà mục tiêu của 2 kỳ thi hoàn toàn không giống nhau?

PGS Nguyễn Phương Nga:  ĐHQG Hà Nội đã thi TNKQ được 3 năm, đã có đánh giá về kết quả thi của các thí sinh và các kết quả này đã được công bố công khai trên các tạp chí khoa học của ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT.

Để chuẩn bị cho thi TNKQ, ngay từ năm 2007-2008, ĐHQGHN đã mời các chuyên gia của Trung tâm ETS (Khảo thí Hoa Kỳ) sang tập huấn cho các chuyên gia biên soạn các câu hỏi thi TNKQ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở đầu tiên trên cả nước đào tạo thạc sỹ chuyên ngành đo lường đánh giá trong giáo dục từ năm 2005 và tiến sỹ chuyên ngành này từ năm 2011.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi, các câu hỏi TNKQ của ĐHQGHN đã được thử nghiệm trên các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau để tính độ tin cậy, độ khó và độ giá trị của các đề thi (phổ kiến thức, kỹ năng cần đánh giá).

Trong quá trình phân tích các kết quả thử nghiệm, những câu hỏi tồi hoặc không phù hợp, hoặc quá khó đã được loại bỏ. Tuy nhiên, do mục tiêu của hai kỳ thi không hoàn toàn giống nhau nên Bộ GD&ĐT phải chọn lọc những câu hỏi phù hợp với mục tiêu thi THPT quốc gia trong ngân hàng câu hỏi thi của ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần phải huy động được đội ngũ chuyên gia giỏi, xây dựng thêm nhiều câu hỏi nữa mới đủ để đảm bảo mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Nếu tính mỗi phòng thi trung bình có 35 thí sinh, và với môn Toán có 50 câu trắc nghiệm thì để đảm bảo mỗi thí sinh có một đề thi thì tối thiểu ngân hàng câu hỏi thi phải có 1.750 câu hỏi và mỗi tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội cần có 700 câu hỏi cho từng thành phần của tổ hợp. Như vậy, ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT cần có 5.950 câu hỏi thi TNKQ cho môn Toán và tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Khoa học xã hội.

Số lượng câu hỏi thi này chưa bao gồm câu hỏi thi cho đề thi dự bị và câu hỏi thi cho môn ngoại ngữ. Với 6 tháng chuẩn bị, tôi tin tưởng rằng Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị được 1 ngân hàng câu hỏi thi đã được chuẩn hóa phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017.

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.