Dự thảo phạt tới 30 triệu đồng với hành vi xâm phạm người học

Lo ngại giáo viên sẽ "buông xuôi" để được an toàn?

Thứ Hai, 08/10/2018, 07:22
Theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố nhằm thay thế cho Nghị định 138 đã ban hành cách đây 5 năm, nhiều vấn đề đã được điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt hành chính các hành vi vi phạm.


Đáng chú ý, Điều 32 quy định giáo viên sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học) hoặc 20-30 triệu đồng (với hành vi xâm phạm thân thể người học) mà dự thảo đưa ra đang “gây bão” dư luận với những tranh luận trái chiều.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho thấy cách nhìn mới về quản lý hành chính. Bởi từ trước đến nay, lĩnh vực giáo dục thường nhạy cảm, khi đề cập xử phạt đôi khi lại né tránh.

Do vậy, những quy định đưa ra tại Dự thảo Nghị định với tác dụng điều chỉnh hành vi của hoạt động giáo dục đi vào quy củ, nền nếp và khoa học, đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học là cần thiết. Tuy vậy, thầy Bình cũng tỏ ra băn khoăn với quy định tại Điều 32 trong Dự thảo Nghị định khi phạt giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh tối đa lên tới 30 triệu đồng.

Lạm dụng việc xử phạt bằng tiền trong môi trường giáo dục sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thầy và trò.  Ảnh minh họa

Theo thầy Bình: "Ở khía cạnh nào đó, hình phạt này có thể có tác dụng nhưng lại ở mức cao và không phù hợp. Trong khi đó, ranh giới phân định giữa những va chạm của học trò và giáo viên khó có thể thấy ngay đâu là đúng, đâu là sai, có thể rơi vào tranh cãi, đôi co. Ngoài ra, mối quan hệ giữa thầy và trò ngày nay là bình đẳng.

Trong khi đó, nhiều học sinh đang trong quá trình hình thành nhân cách lại chưa hiểu thế nào là bình đẳng. Các em ngỡ mình được đứng ngang hàng với giáo viên và muốn gì cũng được”. Cũng theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hiện tại, việc xử lý giáo viên đã có luật công chức, viên chức, giáo viên vi phạm sẽ bị kỷ luật, tạo bài học cho họ điều chỉnh hành vi.

Do vậy, việc có nên áp dụng Điều 32 hay không cũng là vấn đề cần cân nhắc với cái nhìn thấu đáo bởi nó có thể gây ra tác dụng ngược, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy khiến họ thu mình lại, buông xuôi hoặc hời hợt trong giáo dục để đảm bảo an toàn.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng: Điều 29 và 32 trong Dự thảo Nghị định là bất cập và chồng chéo vì hiện nay các quy định dành cho nhà giáo đã đầy đủ và chi tiết như Quyết định 16/2008 “Quy định về đạo đức nhà giáo” của Bộ GD&ĐT; Luật Giáo dục 2015 cũng dành hẳn Chương IV với 13 điều quy định về “Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo”; ở khía cạnh xã hội có luật dân sự, hình sự…

Ngoài ra, các sở GD&ĐT và nhà trường còn có quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ sự băn khoăn về Điều 32 trong Dự thảo Nghị định và cho rằng, quy định này cần được nghiên cứu kỹ bởi không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, thậm chí có người có thể lợi dụng điều này để “hạ bệ” lẫn nhau. Ngoài ra, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng lưu tâm đến tính khả thi của quy định khi đặt ra hàng loạt câu hỏi như ai là người phạt? Số tiền phạt đó sẽ mang đi đâu? Để làm gì?

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chia sẻ: Cá nhân bà tuyệt đối không đồng ý với những hành vi giáo viên xúc phạm học sinh, bạo lực học đường. Do vậy, việc Dự thảo Nghị định quy định quy chế xử phạt hành chính để bảo vệ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý trong trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể cũng như xử phạt nhà giáo trong trường hợp họ xúc phạm thân thể, danh sự học sinh là một cách tiếp cận mới. Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo, đồng thời đảm bảo cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.

Tuy vậy, theo PGS Bùi Thị An, trong giáo dục, bên cạnh yêu thương, nhẹ nhàng cũng cần có những lời răn đe. Vấn đề là cần phân biệt thế nào là răn đe, thế nào là xúc phạm? Chuyện này vẫn còn khá trừu tượng và chưa rõ ràng ở trong Dự thảo Nghị định. Sự không rõ ràng này sẽ khiến giáo viên rất dễ nhụt chí, không dám răn đe dạy dỗ học sinh để đảm bảo sự an toàn.

“Thực tế hiện nay có không ít giáo viên rất tâm huyết với nghề, chuyên môn vững vàng và vì học sinh. Nhưng đôi khi chỉ trong một khoảnh khắc bột phát trong giờ học khi học sinh hư, giáo viên không kìm được cảm xúc mà có những lời nói nặng hay phạt nặng học trò thì nên xử lý như thế nào? Do đó, việc xử phạt cần phải có tiêu chí rõ ràng, phải linh hoạt trong từng tình huống cụ thể chứ không thể máy móc và cảm tính theo kiểu cứ thấy sai là “đè” ra phạt” - bà An nêu quan điểm.

Huyền Thanh
.
.
.