Đổi mới giáo dục phải có trọng điểm, tránh đổi mới tràn lan

Thứ Ba, 18/09/2018, 16:57
Ngày 18-9, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thành tựu và thách thức” với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục.


PGS.TSNguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết: Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN về chín nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo, nhóm nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm.

Qua kết quả nghiên cứu thu được, bước đầu nhóm nghiên cứu nhận thấy dưới sự nỗ lực triển khai Nghị quyết 29 từ cấp Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục,  ghi nhận sự chuyển biến tích cực ở cấp vĩ mô của toàn hệ thống, toàn xã hội như sự thay đổi về chính sách, điều chỉnh và bổ sung văn bản pháp quy, đến cấp vi mô trong nhận thức của mỗi người dân, giáo viên, người học về sự cần thiết và những hành động cụ thể cần thực hiện để đổi mới giáo dục. 

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào-tạo của Nghị quyết 29 đã thực sự tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục phổ thông.

TS. Nguyễn Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục phổ thông tại các địa phương nói chung, Nghệ An nói riêng có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là cách đánh giá học sinh đã chuyển từ điểm số sang các hình thức khác phong phú, thực chất hơn. Các cuộc thi học sinh giỏi các cấp do địa phương tổ chức cũng được đổi mới theo hướng đa dạng hơn, khuyến khích ngày càng nhiều học sinh tự nguyện tham gia thành động lực thật sự chứ không còn là áp lực thành tích đơn thuần. Đặc biệt, cách thức dạy học đã chuyển biến mạnh mẽ từ truyền thụ kiến thức sang giáo dục kỹ năng, gắn với hoạt động thực tiễn của các vùng miền. 

Ảnh minh họa: Tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã liệt kê ra những bước đột phá trong đổi mới giáo dục tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua và cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của giáo dục Việt Nam như: Chương trình còn hàm lâm, thi cử nặng nề, tính hướng nghiệp yếu; Từ bậc phổ thông đến đại học  vẫn còn chạy theo thành tích, “nhà nhà đổ xô vào đại học”; học sinh học nhiều biết ít, thiếu hụt nhiều kỹ năng; làn sóng du học bùng nổ... 

Theo GSTSKH Vũ Minh Giang, để đổi mới giáo dục thành công, cần tuân thủ 3 yêu cầu, thứ nhất là đổi mới có quá trình, đổi mới phải liên tục, không ngừng. Thứ hai là đổi mới phải có trọng điểm, phải chọn ra được những vấn đề quan trọng nhất của từng giai đoạn, tránh đổi mới tràn lan. Thứ ba là phải kiên định với mục tiêu đổi mới.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao hàm lượng chất xám trong các công trình nghiên cứu của ĐHQGHN về Nghị quyết 29,  đây cũng sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp hơn với thực tiễn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, để đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thông thường phải 10 năm, 5 năm sơ kết và 10 năm tổng kết. Do vậy, nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện, không sốt ruột nhưng cũng không quá chậm. Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt, nhưng nhiều việc phải lâu dài.

Thu Phương - Huyền Thanh
.
.
.