Lại đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Hai, 21/08/2017, 15:49
Ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục như chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới; vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, thu hút người giỏi vào sư phạm; thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học trong những năm tiếp theo; tự chủ đại học cũng như việc xem xét thời gian tựu trường phù hợp đã được đưa ra thảo luận.

Đề xuất lùi thêm một năm để việc chuẩn bị tốt hơn

Ông Phạm Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD&ĐT thông qua là khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp. 

Bên cạnh đó, tâm thế của cán bộ quản lý và giáo viên cũng đã rất sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế vẫn đề xuất Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ cho lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018.

“Thừa Thiên - Huế có khoảng 17 ngàn giáo viên, chúng tôi cần có thời gian để đội ngũ này thực sự, hiểu, thấm về chương trình mới, cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình” - ông Hùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số địa phương khác như Nghệ An, Nam Định, Vĩnh Long... cũng đề xuất lùi thời gian triển khai chương trình, SGK mới để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý ... nhằm triển khai tốt nhất chương trình mới. 

“Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT đã rất cẩn trọng, nghiêm túc, có lộ trình bài bản. Nhưng về phía địa phương vẫn băn khoăn về điều kiện thực hiện. Với Nghệ An, dù đã rất quan tâm nhưng cơ sở vật chất, đặc biệt các vùng nùi còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên cũng còn có những bất cập. Do đó, nên giãn tiến độ, lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể chuẩn bị đầy đủ hơn, từ đó triển khai chương trình mới hiệu quả, chất lượng”- bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh. 

Đại diện các Sở GD&ĐT còn mong muốn Bộ GD&ĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Rồi vấn đề sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực. 

Bên cạnh đó, các chủ trương, mô hình giáo dục mới cần được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học và thực tiễn. Khi làm cần theo đuổi đến cùng, tôn trọng dư luận nhưng không chạy theo dư luận.

Ngoài vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông mới, tại hội nghị, ý kiến nhiều địa phương và các trường đại học cũng đánh giá cao kỳ thi THPT quốc gia 2017 và cho rằng nên giữ ổn định cách thức thi này trong năm tiếp theo để tránh xáo trộn, lo lắng trong đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh; chỉ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật để kỳ thi đạt hiệu quả tốt. Mặt khác, đại diện một số trường đại học cũng kiến nghị một số giải giải pháp nhằm thúc đẩy tự chủ đại học, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và có chính sách hỗ trợ sinh viên phù hợp. 

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Quan điểm của Ủy ban là phối hợp với Bộ GD&ĐT để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tốt nhất, vì vậy không nên quá gấp gáp. Cần chuẩn bị thật tốt, thật kỹ cho giáo viên, học sinh, nhất là ở vùng khó khăn rồi mới triển khai.

“Phải đặc biệt quan tâm đến việc dạy người”              

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả của ngành giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là việc phổ cập mầm non 5 tuổi. Cùng với đó, đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt tay vào xây dựng chương trình môn học. Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đã được đổi mới cơ bản thành công. 

Tự chủ đại học đã được đẩy mạnh hơn với 23 trường tự chủ. Quản lý của Bộ, các Sở GD&ĐT đã có nhiều tiến bộ, giảm bớt bệnh thành tích, bỏ bớt những cuộc thi, những thủ tục hành chính không cần thiết. Đặc biệt, thành tích thi quốc tế của học sinh, các công bố quốc tế của nghiên cứu sinh trong năm học vừa qua đều ấn tượng hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập của ngành giáo dục như  quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Còn nhiều thủ tục hành chính, cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó, vẫn còn chậm trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa.  

Ở bậc phổ thông, giáo dục vẫn chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người. Còn nhiều tiêu cực, tệ nạn, bạo lực học đường trong học sinh. Tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ diễn ra nhiều năm vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. 

Trong đó, giáo viên mầm non thiếu trầm trọng, nhưng giáo viên thừa thì vẫn để đó, chưa có biện pháp chuyển đổi phù hợp, gây lãng phí và bức xúc trong xã hội. Giáo dục thường xuyên, nhất là cho người lớn chưa được chú trọng, dù chúng ta đang xây dựng xã hội học tập với chủ trương học tập suốt đời.

Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tới đây ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy người, từ mẫu giáo trở đi. Phải làm chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Phải dạy cho các em những gì thật nhân văn, những gì thật cụ thể, thiết thực. Phải dạy cho học sinh có kiến thức, biết yêu gia đình, Tổ quốc, có ý thức của công dân toàn cầu. Các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ với các giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học. 

Cùng với đó, ngành giáo dục cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ những quy định có tính chất cứng nhắc, hình thức, câu nệ, bệnh thành tích. Tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục, trong đó việc tự chủ xuống đến từng giáo viên, đến từng bộ môn.

“Bộ GD&ĐT làm đúng vai trò của mình: Về quản lý nhà nước thì bỏ những quy định cứng nhắc; còn về bỏ chủ quản đối với những trường đại học thì bộ gương mẫu trước đi đối với mấy chục trường của bộ”- Phó Thủ tướng lưu ý.

“Ngành sư phạm sẽ hấp dẫn nếu sinh viên ra trường có việc làm”

Về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương cần rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để khẩn trương chuẩn bị triển khai. 

Chính phủ đồng ý quan điểm với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian để thêm thời gian chuẩn bị.

Liên quan đến chất lượng đào tạo ngành sư phạm, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành sư phạm hiện ra trường thất nghiệp rất nhiều, chạy việc rất khó, các cháu phải “mai phục” để xin việc, phải chấp nhận dạy hợp đồng, nằm chờ để xin vào biên chế. 

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn thống kê được nhu cầu giáo viên. Giáo dục các địa phương phải rà soát, thống kê lại để báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Ngành giáo dục cần làm đến nơi đến chốn việc này. Chỉ cần bảo đảm không thất nghiệp là sư phạm sẽ hấp dẫn, cùng với đó tăng thêm chế độ cho giáo viên nữa thì càng hấp dẫn hơn.

Về thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, Phó Thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia để bảo đảm cung cấp kết quả đáng tin cậy cho các trường tuyển sinh, đặc biệt là khâu ra đề thi. Còn tuyển sinh phải là tự chủ của các trường đại học. Bộ GD&ĐT cần làm việc với các trường để bàn cách tuyển sinh phù hợp nhất. 

Về thời gian tựu trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét kỹ. Thực tế các trường đều tựu trường sớm, con em ở đô thị do đặc thù công việc của phụ huynh, họ cũng muốn tựu trường sớm, trong khi Bộ lại quy định khai giảng đúng vào ngày 5-9, như vậy sợ lại thành hình thức. Do vậy, năm học tới Bộ GD&ĐT cần bàn kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp.

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.