SV trường Tôn Đức Thắng lo lắng phải dùng chứng nhận tốt nghiệp tạm thời

Thứ Tư, 16/09/2020, 19:26
Những ngày qua, nhiều sinh viên, học viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không khỏi lo lắng, hoang mang khi nhận được thông báo nhà trường sẽ hoãn thời gian tổ chức lễ tốt nghiệp đến tháng 11 và họ sẽ chỉ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời thay cho bằng tốt nghiệp.


Cụ thể, theo thông báo mới nhất của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện nay, GS.TS Lê Vinh Danh (Hiệu trưởng) đang bị tạm đình chỉ chức vụ trong vòng 90 ngày để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho TS. Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 – 2019 quản lý, điều hành hoạt động trường.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả người học tại trường và tốt nghiệp đợt tháng 9/2020 này, nhà trường sẽ cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để sinh viên, học viên liên hệ công việc, học tập. Trong quá trình sử dụng Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, nếu gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào, trường luôn đồng hành, hỗ trợ giải quyết.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cần được sớm ổn định tổ chức, bộ máy vì quyền lợi người học.

Theo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, lễ tốt nghiệp năm 2020 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho biết, họ rất lo lắng vì không có bằng, họ sẽ bị ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm khi ra trường.

Đợt tốt nghiệp này, dự kiến trường cần cấp hơn 2.000 bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và các chứng chỉ khác cho sinh viên, học viên. Tuy nhiên, người quản lý và điều hành trường thời gian này không phải là Hiệu trường mà chỉ là Phó hiệu trưởng đã hết nhiệm kỳ.  

Trong khi đó, theo quy định của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người ký trên các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải là Hiệu trưởng. 

Nếu các bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các sinh viên, học viên tốt nghiệp năm 2020 được ký với tư cách “Đại diện Trường” hay “Đại diện theo pháp luật” sẽ không có giá trị pháp lý, ảnh hưởng quyền lợi cho người học và cũng trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đó không phải là những cụm từ diễn đạt một chức danh.

Phía nhà trường  cho biết, trường đã có công văn xin ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (theo Quyết định 1229/QĐ-TLĐ) cho TS. Trần Trọng Đạo trong thời gian tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là chưa thể hiện rõ chức danh của TS.Trần Trọng Đạo, để có thể triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan trong giai đoạn này.  

Trong khi đó, ngày 25/8/2020, theo Kết luận thống nhất tại Hội nghị triển khai các quyết định về công tác cán bộ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TS Trần Trọng Đạo tạm thời được ghi chức danh “Phụ trách trường”.

Tại văn bản trả lời Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, quyết định về việc giao quản lý, điều hành nhà trường (cho TS. Trần Trọng Đạo) là quyết định giao nhiệm vụ, nên không ghi chức danh “Phụ trách trường” đối với TS. Trần Trọng Đạo.

Như vậy, Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn chưa được hướng dẫn có được ghi trên văn bằng là “Lãnh đạo trường” hay “Đại diện trường”. TS. Trần Trọng Đạo hiện đã hết nhiệm kỳ (2014 – 2019), Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện cũng không có hội đồng trường, do hội đồng trường cũng đã hết nhiệm kỳ. Ban Giám hiệu chỉ còn duy nhất hiệu trưởng Lê Vinh Danh (ông Danh được kéo dài theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi), thì đang  bị đình chỉ. Liệu khi ra quyết định đình chỉ ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tính đến hệ lụy khi không có ai ký văn bằng cho người học hay không? Còn phía nhà trường đương nhiên không thể thực hiện trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bằng tốt nghiệp đại học, thạc sỹ và tiến sỹ là giấy chứng nhận chứng minh quá trình học tập của sinh viên, học viên; là cơ sở để sinh viên, học viên tiếp tục học tập và xin việc làm, không thể có sai sót trong thẩm quyền ký…Một ngày chậm giải quyết câu chuyện này thì sinh viên, người học sẽ bị ảnh hưởng lớn đến quyền lợi.

Thu Phương
.
.
.